Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh; chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống các chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quản trị hiện đại và thông lệ quốc tế; nghiên cứu, đổi mới, phát triển công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trường hợp bất khả kháng phải cắt giảm tạm thời số lượng lao động, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, trợ cấp phù hợp theo Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020, của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020, của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình cơ cấu lại theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Liên quan đến nhiệm vụ trên, đối với các doanh nghiệp thuộc thành phố: Căn cứ kết quả rà soát, báo cáo của các doanh nghiệp (đối với các cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội) và ý kiến của Bộ Tài chính (đối với các cơ sở nhà, đất nằm trên địa bàn các địa phương khác) để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định để thẩm định, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các doanh nghiệp thuộc bộ, ngành Trung ương và địa phương khác có cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội: Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc rà soát, kiểm tra hiện trạng nhà, đất; kịp thời tham mưu UBND thành phố tham gia ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, tiến độ, đúng quy định của pháp luật.