Đẩy mạnh phát triển đô thị bền vững

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/5, Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký Thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ các đô thị Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thách thức trong quá trình đô thị hóa

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Việt Nam có 826 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 40%. Các đô thị tạo ra 70% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, đang phải đối diện với rất nhiều thách thức trước nguy cơ nước biển dâng, ngập lụt, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn, hạn hán, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng ở các đô thị rất lớn. Tất cả vấn đề này tạo ra thách thức rất lớn trong phát triển đô thị bền vững.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt.

Gần đây nhất, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/2022-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện quan điểm chỉ đạo thống nhất phát triển đô thị dựa trên nền tảng bền vững, theo bề rộng, ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế đô thị.

“Chính vì vậy, theo chỉ đạo chung cũng như thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 (Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu) sẽ hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các đô thị Việt Nam sẽ theo hướng phát triển này” - Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Xây dựng và AFD sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác truyền thống, trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, đặc biệt là việc thúc đẩy thực hiện COP26 thông qua hợp tác, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật về phát triển đô thị ứng phó với BĐKH, đô thị thông minh, đầu tư phát triển đô thị.

Nội dung ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2022 - 2023, thúc đẩy thực hiện các cam kết tại COP26 thông qua nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý đô thị, tổng kết kinh nghiệm, thí điểm mô hình đô thị thích ứng, tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo; Giai đoạn 2024 - 2027 thực hiện nghiên cứu kỹ thuật lồng ghép yếu tố thích ứng BĐKH, carbon thấp, phát triển đô thị bền vững, rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí về quy hoạch, quản lý đô thị thích ứng BĐKH, tăng trưởng xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng. AFD sẽ hỗ trợ chuyên gia, các nguồn hỗ trợ không hoàn lại và trao đổi kỹ thuật.

Hiện thực hóa cam kết

Ông Philippe Orliange - Giám đốc điều hành toàn cầu AFD cho biết, hoạt động của AFD ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Pháp. Hiện tại, AFD cũng định hướng nhằm thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về BĐKH, gồm 3 định hướng chính: Hỗ trợ Việt Nam có mức phát thải carbon thấp; hỗ trợ các đô thị trong quá trình phát triển bền vững; hỗ trợ chính sách công để mang đến sự chuyển biến trong việc thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Đại diện Bộ Xây dựng và AFD ký thỏa thuận hợp tác.
Đại diện Bộ Xây dựng và AFD ký thỏa thuận hợp tác.

"Đô thị hóa tạo ra nhiều công ăn việc làm và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều dịch vụ hiện đại, nhưng cũng có khả năng gây ra một số rủi ro nhất định, khiến cho các đô thị dễ tổn thương hơn. Từ đó, đặt ra vấn đề làm sao đạt được sự dung hòa trong tăng trưởng đô thị đáp ứng yêu cầu bảo vệ người dân, thích ứng với BĐKH. Đóng góp vào chính sách công của Chính phủ Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu của AFD, mục tiêu này phù hợp với bối cảnh có sự trao đổi tích cực giữa Bộ Xây dựng và AFD” - ông Philippe Orliange nhấn mạnh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho rằng, vấn đề BĐKH ở Việt Nam thời gian qua đã đề cập đến rất nhiều sự sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển, nhưng rất ít khi đề cập đến những tác động của BĐKH đến các đô thị, trong khi đô thị tập trung đến 40% dân số, tạo ra 70% GDP, hơn nữa chính đô thị là nơi chịu tác động lớn nhất của thiên tai, BĐKH nên phải tập trung phần lớn những nỗ lực cho sự phát triển bền vững.

“Cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 sẽ là đóng góp rất lớn cho những nỗ lực toàn cầu về BĐKH và Chính phủ Pháp mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết này, làm sao cụ thể hóa cam kết này thành những dự án cụ thể ở các địa phương để người dân Việt Nam được hưởng lợi từ cam kết này” - ông Nicolas Warnery nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị gửi lời cảm ơn chân thành tới AFD vì những nỗ lực đóng góp, hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị... thời gian vừa qua. Đồng thời trân trọng, đánh giá cao nội dung cam kết hợp tác cùng Bộ Xây dựng thời gian tới, tập trung thúc đẩy thực hiện cam kết tại COP26 của Việt Nam với mục đích cải thiện khả năng chống chịu, phục hồi ở các đô thị trước BĐKH.

“Tin tưởng rằng, trên cơ sở bản ghi nhớ ký kết hôm nay, hai bên sẽ tiếp tục có quan hệ hợp tác thiết thực các vấn đề liên quan đến BĐKH thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng như: Quy hoạch xanh, giảm phát thải khí nhà kính, carbon thấp, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, hạ tầng xanh, nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển đô thị… Bộ Xây dựng sẽ trao đổi cụ thể với AFD để tìm hướng hợp tác thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mối quan tâm của hai bên” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Được biết, chương trình hợp tác tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi tác động của BĐKH sẽ được thực hiện theo mô hình mỗi địa phương xây dựng một chương trình cụ thể về phát triển đô thị theo hướng bền vững.