Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), nhiều địa phương tại khu vực phía Nam đã hoàn thành và vượt kế hoạch được giao.

Ngày 3/7, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) từ năm 2021 - 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG DTTS và MN là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và MN.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Theo ông Hầu A Lềnh, khu vực Nam bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước, tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2.277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình.

"Theo số liệu báo cáo của các địa phương khu vực phía Nam thì tỷ lệ giải ngân lại không cao, thậm chí có địa phương còn chưa giải ngân. Để Chương trình đạt được mục tiêu đề ra, lần này, Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát để điều chỉnh đồng thời xác định những điểm yếu và những đòi hỏi thực tế, để thiết kế một Chương trình phù hợp hơn cho giai đoạn 2026-2030, để các đối tượng đồng bào DTTS và MN dù ở đâu cũng được thụ hưởng chính sách phù hợp," ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Chương trình MTQG - Hà Việt Quân đã thông qua báo cáo tóm tắt 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 khu vực phía Nam.

Theo đó, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 đến ngày 31/5/2023 của 13 tỉnh thành khu vực phía Nam là 701.658 triệu đồng, đạt 25.92%. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 504.23 triệu đồng, tương đương 22.31%, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương giải ngân 197.426 triệu đồng, tương đương 44.09%.

Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Mặc dù Chương trình mới được đưa vào triển khai tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của phía Nam bình quân đạt 1.89%; tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông đạt 100%; tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 92.1%...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương, định hướng tổng thể của các chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030, những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc của việc triển khai chủ trương lồng ghép, phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thành phố bố trí lồng ghép việc thực hiện Chương trình vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, với tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 69,084 tỷ đồng. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chăm lo tốt hơn đời sống, vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tăng cường lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước; chăm lo tốt hơn về đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, kết nối doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Hoa cho đồng bào dân tộc Hoa và cả dân tộc Kinh khi có yêu cầu, để đáp ứng nhu cầu lao động việc làm...

Ngoài chương trình hội nghị sơ kết 3 năm, Ban tổ chức còn tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG DTTS và MN giai đoạn 2026-2030 nhằm thảo luận về việc lồng ghép, mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 cũng như nội dung, cơ chế triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030.