Đẩy nhanh hỗ trợ các dự án nhà văn hóa thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Thành ủy – HĐND – UBND TP, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc miền núi của Thủ đô đã không ngừng được cải thiện.

Dù vậy, câu chuyện cơ sở hạ tầng, trong đó có bài toán nhà văn hóa thôn vẫn khiến những người làm công tác dân tộc phải trăn trở.

Còn nhiều khó khăn

Tháng 10/2014, đồng bào dân tộc Mường ở thôn Đầm Bối, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) vui mừng khi nhà văn hóa thôn (NVH) mới được khánh thành. Công trình được xây dựng trên quỹ đất rộng, nằm ven tỉnh lộ 446 khang trang rộng đẹp. Từ đó đến nay, NVH nhanh chóng trở thành địa điểm hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng lớn nhỏ của thôn Đầm Bối nói riêng, xã Yên Trung nói chung.
Nhà văn hóa thôn Đầm Bối được xây dựng khang trang, rộng đẹp.
Nhà văn hóa thôn Đầm Bối được xây dựng khang trang, rộng đẹp.
Tuy nhiên, NVH thôn Đầm Bối chỉ là điểm sáng trong bức tranh tương đối nghèo nàn về hiện trạng NVH thôn trên địa bàn xã Yên Trung nói riêng, huyện Thạch Thất nói chung. Ngay tại Yên Trung, NVH thôn Luồng được xây dựng từ năm 1997 là nơi sinh hoạt cộng đồng của gần 2.000 hộ dân nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Do mái lợp bằng proximang nên mùa hè rất nóng, hiện đã có nhiều điểm dột, tường bị bong tróc, hư hỏng. NVH hiện cũng thiếu hầu hết các trang thiết bị cần thiết cho sinh hoạt cộng đồng như loa đài, sân khấu... Ông Nguyễn Văn Thạo – Trưởng thôn Luồng cho biết, mỗi khi hội họp, người dân tới dự là phải xếp ghế nhựa ra ngồi ở khoảng sân trước NVH. Hễ trời mưa, nắng là buộc phải hoãn họp, hoặc chuyển tới sinh hoạt nhờ tại trụ sở UBND xã, NVH thôn khác.

Không chỉ ở thôn Luồng, nhà văn hóa thôn Trán Voi – một trong 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) cũng ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở vật chất thiếu đủ bề. Không loa đài, bảng biểu, phông nền sân khấu. Việc hội họp đông người hết sức bất tiện...

Cần sự chung tay

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Ban Dân tộc TP), tại hầu hết các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, NVH thôn đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, thiếu thốn trang thiết bị, huyện Thạch Thất là địa phương có tình trạng này rõ rệt nhất. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, TP đã có văn bản kêu gọi các quận có điều kiện về nguồn lực chung sức cùng TP hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình NVH thôn cho đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Theo đó, 12 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đã đồng ý hỗ trợ 3 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai xây dựng 46 NVH thôn (Ba Vì: 41, Thạch Thất: 3, Quốc Oai: 2), với tổng kinh phí trên 92 tỷ đồng. Dự kiến, các NVH thôn sẽ được khởi công trong quý II/2015, hoàn thành trong quý IV/2015 lấy thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Tuy nhiên đến nay, chưa có công trình nào được khởi công!

Qua trao đổi với lãnh đạo phòng Dân tộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất và Quốc Oai, được biết, việc chậm chủ yếu là do các quận chậm chuyển tiền về cho địa phương. Ông Đặng Tiến Hữu – Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho hay, đến cuối tháng 7/2015, huyện mới nhận được kinh phí hỗ trợ xây dựng 14/41 NVH thôn của 4 quận gồm: Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai và Nam Từ Liêm. Trước đó, huyện đã gửi toàn bộ hồ sơ liên quan để các quận bố trí kinh phí hỗ trợ, tuy nhiên, phòng Tài chính một số quận cho biết còn thiếu một số văn bản của Sở Tài chính nên chưa thể chuyển kinh phí ngay được. Tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai, cả 5 NVH thôn mới trong quá trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và chưa biết tới khi nào mới khởi công.

Liên quan tới tiến độ thực hiện các công trình NVH thôn, trong buổi làm việc với Ban Dân tộc TP cùng phòng dân tộc 5 huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đề nghị, các địa phương tập trung đôn đốc, phối hợp với các quận, sở, ban, ngành khẩn trương thống nhất các nội dung hỗ trợ, sớm khởi công, phấn đấu hoàn thành các công trình trước Tết Nguyên đán 2016 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc miền núi.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần