Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận. Các làng nghề của Hà Nội nằm trên địa bàn 24 quận, huyện, thị xã; hoạt động trong 6/7 nhóm lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Mỗi làng nghề của Hà Nội mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sự phát triển của các làng nghề mang lại doanh thu lớn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, cũng đặt ra bài toán về ô nhiễm môi trường ngày một phức tạp.
Cùng với nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, việc phát triển nghề và làng nghề hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn phân tán, quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, dẫn đến việc đầu tư cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến gặp nhiều khó khăn...
Thống kê cho thấy, toàn TP hiện đã có 70 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp đang thu hút gần 4.200 tổ chức, DN, hộ cá thể vào sản xuất - kinh doanh. Các cơ sở phát triển tương đối ổn định, có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động nông thôn.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2 cụm công nghiệp tại huyện Phú Xuyên và 1 cụm công nghiệp tại huyện Phúc Thọ được khởi công. Hiện, toàn TP có 13 cụm công nghiệp đã được khởi công và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật...
Hiện, Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công các dự án cụm công nghiệp làng nghề đã được phê duyệt thành lập.
Cùng với quản lý chặt chẽ hoạt động của các cụm công nghiệp đang vận hành, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, thẩm định và đề xuất để UBND TP xem xét, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trong giai đoạn tới.