Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng: Hướng tới lợi ích người dân

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ rõ rằng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn rất khó khăn, phức tạp và còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, do vậy, ngày 15/9/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn TP.

Dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) được khởi công từ tháng 10/2013, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2015, nhưng sau mấy lần gia hạn, đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Hàng loạt các dự án trọng điểm khác như đường Văn Cao – Hồ Tây, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hay cải tạo một số chung cư cũ… dù liên tục bị “thúc”, nhưng vẫn quá chậm tiến độ. Bên cạnh nguồn lực, năng lực chủ đầu tư, công tác GPMB là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, với việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 08, về GPMB đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao để giải tỏa những điểm điểm nghẽn, hạn chế sự phát triển của TP.

“Cột” trách nhiệm người đứng đầu

Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Trương Quang Thiều cho biết, từ năm 2010 đến tháng 6/2016, trên địa bàn TP có 3.073 dự án phải thực hiện thu hồi đất; đã hoàn thành GPMB 1.711 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.462ha; chi trả hơn 54.829 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 213.554 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 9.924 hộ gia đình, cá nhân. Nhìn vào những con số đó có thể thấy được sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành, nhất là trong hoàn cảnh chế độ, chính sách thay đổi liên tục. Điều này dẫn đến nghịch lý một số hộ càng chây ì thì lại càng được lợi, không khuyến khích được người dân tự giác chấp hành. Chưa kể đến nhà tái định cư, chỗ thì thiếu, chỗ chất lượng không đảm bảo. Khi trao đổi với phóng viên, một cán bộ làm công tác GPMB lâu năm cũng đã phải thở dài: “Ngay mình cũng còn thấy vô lý, nhưng nhiệm vụ vẫn phải thực hiện thôi”. Do đó, đây luôn là “điểm nóng” dẫn đến đơn thư khiếu nại kéo dài.

Dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) còn nhiều khu vực chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Chiến Công

Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án (trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm) với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân. Với khối lượng khổng lồ như vậy, nếu vẫn làm theo những cách cũ sẽ rất khó đảm bảo tiến độ đề ra.

Chính vì vậy, ngày 15/9/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, Thành ủy yêu cầu phải ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người phải di chuyển chỗ ở thực hiện tái định cư tự nguyện, được tự lựa chọn hình thức tái định cư bằng việc nhận nhà hoặc nhận tiền, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các hộ dân. Giảm dần các vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, GPMB.

Để đạt được những mục tiêu đó, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB. TP tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất

Linh hoạt cách làm

Thành ủy cũng định hướng việc xây dựng cơ chế, chính sách, sử dụng vốn Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp để GPMB thực hiện dự án và GPMB theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án FDI để kêu gọi đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực tài chính cho TP. Khi đấu giá quyền sử dụng đất, có cơ chế tài chính linh hoạt để sử dụng một phần tiền sử dụng đất thu được tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất đấu giá. Các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, dự án công trình theo tuyến, xem xét tách thành tiểu dự án GPMB và phê duyệt để GPMB trước khi tổ chức thực hiện thi công.

TP cũng cho cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện. Định hướng, có chính sách khuyến khích và đặt hàng các DN xây dựng nhà tái định cư theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu tái định cư. Có phương án sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% tại các dự án để xây dựng nhà tái định cư hoặc tạo vốn xây dựng nhà tái định cư; đầu tư các dự án khu đô thị có quy mô phù hợp theo các tiêu chuẩn nhà ở thương mại, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ tái định cư và do các nhà đầu tư quản lý, vận hành. Đa dạng hình thức tái định cư, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất được lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp.

Đối với khu vực nông thôn ngoài vùng quy hoạch phát triển đô thị, giao UBND các huyện quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất cho các hộ dân. Nghiên cứu, xem xét phương án xây dựng nhà ở chung cư tại các khu vực phù hợp để phục vụ tái định cư chung cho khu vực.

Khi triển khai Nghị quyết 08, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá đây là nhiệm vụ rất khó bởi ở Thủ đô là “tấc đất, tấc vàng”. Với khối lượng công việc lớn hơn nhiều giai đoạn trước, nên càng đòi hỏi các cấp, các ngành phải có phương pháp, cách tiếp cận mới với sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện để vừa đẩy nhanh hơn tiến độ thu hồi đất, vừa hướng tới lợi ích của người dân hơn. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu công tác dân vận phải chủ động làm trước, tạo đồng thuận từ đầu, ngay từ cấp cơ sở. Có như vậy công tác GPMB trên địa bàn TP thời gian tới mới đạt được hiệu quả cao.

Bí thư, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải:

Áp dụng một giá cho mỗi dự án

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp tích cực, gương mẫu trong GPMB thì bị thiệt thòi hơn những hộ chây ì. Người ta sẵn sàng đi khiếu nại để kéo dài thời gian và được hưởng giá đền bù cao hơn. Do đó, đề nghị quy định với mỗi dự án chỉ được áp dụng một giá, dù có giao đất ngay hay không, tránh tình trạng khiếu nại phức tạp.


Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu:

Phải xử phạt nếu bàn giao mặt bằng chậm

Đề nghị giao thẩm quyền cấp quận quyết định áp dụng các chính sách GPMB đã được TP chấp thuận tương ứng để giải quyết, không phải trình lại TP xem xét. Cấp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận, cấp phép ngay cho người dân với những diện tích còn lại khi bàn giao mặt bằng để giảm bớt thủ tục hành chính cho công dân và tránh tình trạng siêu mỏng, siêu méo. Sau khi phê duyệt phương án xong cần có chế tài: khi bàn giao đất GPMB thì có cơ chế thưởng; khi không bàn giao thì phải có cơ chế phạt; sau 3 lần phạt thì tổ chức cưỡng chế.


Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải:

Xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành

UBND quận xác định công tác tuyên truyền vận động là cơ sở chính để triển khai GPMB, đẩy nhanh việc giải quyết đơn thư khiếu nại. Đặc biệt, sẽ giải quyết xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành, khi quyền lợi của các hộ dân đã được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công tác GPMB công khai, minh bạch, dân chủ và khách quan.