Những cây cầu và cung đường mới
Một cảm xúc dâng trào khi nhìn bốn phương Hà Nội từ độ cao trung tâm. Mới hay cách đây 1010 năm khi Lý Thái Tổ đã sáng suốt chọn nơi này để làm “Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời” (trích Chiếu dời đô). Và cũng đứng từ trên cao mới thấy hình tượng “Rồng chầu Hổ phục” của Thủ đô mà ông cha đã lựa chọn. Hình ảnh rồng bay lên bầu trời vẫn còn đó. Lịch sử đã trải qua hơn ngàn năm. Biết bao thăng trầm đổi thay càng thể hiện con mắt nhìn xa trông rộng của Lý Thái Tổ bởi đúng là: “Cố Đô rồi lại tân đô. Ngàn năm văn vật bây giờ vẫn đây” (ca dao).
Hà Nội mới đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt. Từ trên tòa cao ốc này, ta có thể nhìn dọc con đường lớn dẫn tới cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng. Đây là cây cầu hai tầng giao thông tồn tại đã hơn ba mươi năm. Nhưng chỉ nhìn chếch sang bên phải chừng hơn hai cây số, cây cầu hiện đại Nhật Tân đã vận hành được 5 năm. Bên cạnh các cầu đã định hình như Thanh Trì, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Đông Trù, cầu Nhật Tân được thiết kế mô hình dây văng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong tương lai gần, cầu Tứ Liên sẽ được xây dựng vượt sông Hồng. Hơn thế, từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống. Những công trình này đóng góp thêm phần giải tỏa giao thông với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Thủ đô. Đó chính là những hình ảnh “Rồng bay” được hiện thực hóa với sự tưởng tượng của người xưa: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Đường ra Hà Nội như tranh vẽ rồng” (ca dao).Có điều thật thú vị hiện ra. Đối diện với cầu Nhật Tân hiện đại là cầu Long Biên, một con rồng sắt hơn trăm năm tuổi trầm mặc u hoài. Một bên là đứa con mới sinh ra với bao ước vọng vươn xa chân trời mới. Còn một bên thì thầm như muốn kể lại những câu chuyện cổ sáng bừng hào khí Thăng Long. Đó là những đêm lạnh buốt các chiến sĩ Thủ đô âm thầm vượt sông Hồng lên chiến khu Việt Bắc sau cuộc chiến “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” (1946). Và đó là những ngày đêm các chiến sĩ bắn trả máy bay Mỹ tới thả bom để bảo vệ cây cầu. Sau đó là thời khắc quân và dân Hà Nội kề vai bắc cầu cho những đoàn xe vượt qua để vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam. Long Biên là một dấu ấn lịch sử hào hùng của chiến sĩ và đồng bào Thủ đô. Đó là một trong những biểu tượng của Thủ đô anh hùng chiến đấu bảo vệ non sông Tổ quốc. Cùng với những cây cầu và khu đô thị vệ tinh đang được hình thành, Hà Nội đã hiện lên những cung đường mới. Chúng đã được gắn tên mới với gần trăm tên phố và hàng chục cung đường mở rộng đi khắp bốn phương. Từ độ cao 350m này, nhiều người đã chụp được những bức ảnh hết sức thú vị về những con phố mới như bản giao hưởng hòa với cung đàn muôn điệu 36 phố cổ. Những con phố đẹp với những hàng cây con mới trổ búp như phố Thép Mới, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng... Đó là những cái tên phố vang lên như những bài thơ bên những “Phố Hàng” xưa. Đặc biệt nếu kéo ống kính viễn vọng lớn ta có thể nhìn thấy khu đô thị Việt Hưng,Vinhomes Riverside, Ecopark hay Ocean Park… với hàng trăm tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhìn tổng thể mới thấy sự mở rộng Thủ đô trong 12 năm qua thật sự có ý nghĩa. Hà Nội vạm vỡ ra với nhiều mô hình kinh tế lớn. Nhiều hạng mục công nghiệp đang hoạt động với biên độ kéo dài hàng trăm cây số xung quanh năm đô thị vệ tinh. Đó là hình ảnh lung linh về Hà Nội với quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nếu nhìn từ ngôi nhà 72 tầng này, ta có thể nhìn rõ dãy núi Ba Vì với những hàng mây trắng trôi trên trời xanh. Ta càng thấy một bố cục phong thủy tự nhiên tạo nên những long mạch bảo vệ Thăng Long - Hà Nội. Thế vững chắc đế đô mà vua Lý Thái Tổ đã chọn đúng như Nguyễn Trãi đã nói: “Ba Vì là núi Tổ ta đó”. Bởi đó là đất của một trong những cửa ngõ bảo vệ thành Thăng Long xưa với hình ảnh: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hào khí mênh mang vạn thuở còn” (Câu đối trên đền thờ Tản Viên Sơn).Thành phố vì hòa bình và sáng tạoĐã từ lâu, các nhà lãnh đạo TP Hà Nội luôn thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Đó chính là hướng giữ vững danh hiệu một “Thành phố vì hòa bình” mà Hà Nội đã được UNESCO công nhận hơn 20 năm qua. Thăng Long - Hà Nội là đất kinh đô đầy bản lĩnh đã từng ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược. Thăng Long bị chúng chiếm đóng vào các năm 1258, 1285 và 1288 thời nhà Trần. Nhưng cuối cùng chúng vẫn phải đại bại bỏ chạy trước sự chiến đấu kiên cường của quân dân nước ta. Những người dân thành Thăng Long hào hoa và thanh lịch. Khi quân khởi nghĩa Lê Lợi đánh tan giặc Minh (1427) nhưng vẫn cho chúng được giải thoát khỏi thành Thăng Long để về quê hương.
Người dân Đại Việt luôn mong muốn hòa bình với cộng đồng và không để lại những thù oán cho bất cứ dân tộc nào. Hành động trao gươm cho thần kim quy của vua Lê đã thể hiện Thăng Long muốn chấm dứt chiến tranh. Thăng Long luôn hiển hiện với sự bình an và yêu thương cuộc sống: “Trời cao biển rộng đất dày. Núi Nùng, sông Nhị, chốn này làm ghi…” (ca dao). Nhưng rồi Thăng Long - Hà Nội không mấy khi được bình yên. Cây muốn lặng gió chẳng ngừng. Thăng Long anh hùng lại một phen đại phá quân Thanh dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung (1789). Rồi Hà Nội đánh Pháp, Nhật. Cuối cùng là trận đại chiến Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu đã đem lại hòa bình. Thủ đô lại thêm một lần tạo điều kiện cho giặc Pháp rút lui qua cầu Long Biên một cách an toàn. Một tư duy sáng suốt về đối thoại hòa bình đã hình thành sâu sắc của ông cha ta tạo nên thế vững chắc trước cộng đồng thế giới. Người Hà Nội chỉ muốn giữ trong lòng bạn bè quốc tế với hình ảnh bình yên: “Hà Nội vui sao. Những cửa đầu ô. Tíu tít gánh gồng. Đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh tươi. Hà Nội tươi thắm. Sống vui phố hè…” (Người Hà Nội -Nguyễn Đình Thi)Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” còn được tôn vinh bởi là nơi hội tụ đoàn kết dân tộc các nước trong khối ASEAN và quốc tế. Hà Nội thay đổi từng ngày, từng giờ khi hội nhập WTO đem lại nguồn lợi kinh tế cho các nước láng giềng. Hà Nội luôn thể hiện là niềm tin, hy vọng cho cộng đồng quốc tế và luôn đón nhận sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và hòa hảo dân tộc. Bởi hòa bình chính là khát vọng của dân tộc và Thủ đô Hà Nội đã thể hiện đúng gương mặt của mình: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An” (ca dao). UNESCO vinh danh cho Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” trên nền tảng đó.Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mònCàng thú vị khi ta nhìn Hà Nội từ trên cao. Những dấu tích lịch sử và văn hóa là những di sản tô đậm hình ảnh ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội. Không dễ một quốc gia nào có thủ đô phát triển hơn ngàn năm như Hà Nội. Hình ảnh cột cờ trên cố đô xưa là bảo tàng sống động của thuở ngàn năm lưu danh. Và xa xa là Hồ Gươm xanh thắm vẫn còn ghi: “Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ. Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn. Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn. Hỏi ai gây dựng nên non nước này?” (ca dao). Đó chính là câu hỏi mà những thế hệ mai sau cần nhớ tới. Kia gò Đống Đa lịch sử với tượng đài Quang Trung hùng vĩ lồng lộng giữa trời cao. Và còn đó Văn Miếu và khu phố cổ với hình ảnh 36 phố phường vẫn sầm uất như ngày nào. Người dân Hà Nội luôn nhớ: “Phồn hoa thứ nhất Long thành. Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” (ca dao). Cho dù nay Thủ đô đã phát triển tới hơn 500 con phố nhưng ai ai cũng thuộc câu xẩm xênh ca rằng: “Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai. Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay…” (Rủ nhau chơi khắp Long thành)Biết bao di sản còn được lưu dấu trong kinh thành xưa. Cùng với đó là những văn nhân tướng lĩnh đã hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội. Lời ca: “Hà Nội ơi! Nhớ về mùa Thu tháng Mười” đã ghi lại hình ảnh năm cửa ô rạo rực chào đón những người con Thủ đô trở về trong ngày giải phóng (10/10/1954). Những âm thanh vang lên rộn ràng: “Ta nhớ không quên những tháng năm qua. Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai. Là nhắc đến những kỷ niệm đã qua. Hà Nội ơi!...” (Hà Nội đêm trở gió - Trọng Đài). Hà Nội đã được nhìn từ trên cao như thế. Hình ảnh đoàn thuyền của vua Lê Thái Tổ chia tay thành Hoa Lư bỗng hiện về trong tâm tưởng. Một dòng sông huyền thoại đã đưa đoàn thuyền dời đô. Những ký ức ngàn năm dội về. Bài ca “Người Hà Nội” vang vọng trời xanh. Một giai điệu mê say bất tận trên tòa nhà chạm mây bay: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Hà Nội mến yêu” (Nguyễn Đình Thi).