ĐB HĐND TP:Giải pháp nào để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh?

Tiên Long - An Sơn - Thái Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/7, tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu HĐND TP đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch, có giải pháp nâng cao chỉ số PCI

ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ ĐB huyện Quốc Oai) nêu, năm 2022, chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) giảm, trong chỉ số thành phần về tiếp cận thông tin đất đai giảm mạnh ở các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời gian được niêm yết; doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất... Đặc câu hỏi tới Giám đốc Sở KH&ĐT và Sở TN&MT, đại biểu cho biết: Với vai trò tham mưu cho UBND TP, đề nghị cho biết giải pháp trong tương lai, nêu rõ trách nhiệm cụ cho lĩnh vực này để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân?

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân trả lời chất vấn
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, liên quan đến chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội đạt 66,74 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh thành (giảm 10,86 điểm, giảm 10 bậc so với năm 2021). Khi chỉ số được công bố, theo yêu cầu của UBND TP, Sở KH&ĐT đã có báo cáo phân tích 10 chỉ tiêu và 142 chỉ số thành phần để đánh giá mặt được, chưa được và phần giảm điểm. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch, trên cơ sở 10 chỉ tiêu này đã giao cho các sở, ngành đơn vị trên địa bàn thành phố phụ trách về chỉ tiêu tính minh bạch; chỉ tiêu cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự; gia nhập thị trường, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp cận đất đai... Qua đó, đã yêu cầu các đơn vị được giao phụ trách chỉ tiêu này dựa trên chỉ số nhánh để xây dựng kế hoạch, tìm giải pháp đẩy nhanh các chỉ số này.

Qua phân tích cho thấy 10 chỉ số này liên quan đến 2 nhóm vấn đề chính cần xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó liên quan đến cải cách hành chính, thành phố Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, đưa 3 nội dung về cải cách hành chính, chuyển đổi số và chỉ số PCI vào để đảm bảo tính thống nhất trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch.

Bên cạnh đó, thời gian qua thành phố Hà Nội cũng có 3 đề án được thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH&ĐT là đơn vị chủ trì, triển khai thực hiện các đề án này.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, thời gian tới, với trách nhiệm được giao, Sở KH&ĐT sẽ củng cố Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và chỉ số PCI của Sở. Sở đã thành lập tổ liên quan đến hai chỉ số mà Sở được giao là gia nhập thị trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và trên 30 chỉ số thành phần được giao. Trong năm 2023, Sở sẽ khắc phục tồn tại hạn chế và phát huy mặt mạnh để thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Về quy trình nội bộ, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, theo phân cấp, ủy quyền, Sở KHĐT có 31 thủ tục hành chính phải đưa xuống cho phòng đăng ký kinh doanh và phòng tài chính kế hoạch của cấp quận, huyện. Liên quan đến thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay Sở đã xây dựng xong và đang trình Sở Tư pháp.

Còn 30 thủ tục hành chính liên quan tới phòng đăng ký kinh doanh, phòng kế hoạch đầu tư của các quận, huyện, có liên quan đến phần mềm Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành, hiện phần mềm của Bộ mới đến được các phòng đăng ký kinh doanh của các tỉnh, thành phố, chưa xuống đến các phòng cấp quận, huyện. Đối với chỉ số PCI, Sở đã có báo cáo, tham mưu TP để phân công các chỉ số cho các đơn vị sở ngành.

"Nhìn chung, các chỉ số này liên quan nhiều lĩnh vực, các sở, ngành, quận huyện phải đẩy mạnh cải cách hành chính, quy trình nội bộ, thủ tục hành chính, giải quyết, hỗ trợ tốt nhất cho DN trong kinh doanh hiện nay. Sở KH&ĐT đã có Trung tâm hỗ trợ DN, đồng thời, Sở đã tăng cường tiếp DN, mở zalo của Sở để lắng nghe phản ánh của DN, zalo này đã hoạt động 2 tháng nay có tác dụng giúp Sở có nhìn nhận những phản ảnh, xử lý kịp thời. Ngoài ra, chúng ta phải thường xuyên đối thoại DN"- Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Huy Cường trả lời chất vấn. 
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Huy Cường trả lời chất vấn. 

Cũng liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Huy Cường cho biết, liên quan vị trí xếp hạng Chỉ số PCI của TP, có 2 nguyên nhân chính là do công tác cán bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Qua các kỳ giám sát cho thấy, liên quan đến công tác thực hiện vấn đề tài nguyên môi trường; các quy trình giải quyết có đảm bảo hay không thì đều liên quan đến vấn đề cán bộ thực thi.

Từ đó, để cải thiện chỉ số PCI của TP, với trách nhiệm của mình, Sở sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ hơn nữa để đảm bảo nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu trong cuối quý III/2023 toàn bộ các thủ tục hành chính sẽ được ban hành để giải quyết tốt nhất nhu cầu cho người dân.

Giám đốc Sở TN-MT cũng cho rằng, cùng với đó, cũng cần có sự đồng hành, thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền để chỉ đạo từ cấp quận/ huyện đến phường/xã để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của TP liên quan đến các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng cũng như vấn đề luân chuyển, điều động cán bộ liên quan lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường.

Nâng chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của các đơn vị

ĐB Nguyễn Ngọc Việt (Tổ ĐB huyện Mỹ Đức) gửi tới Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà và quận Hai Bà Trưng, theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các quận, huyện, thị xã được công bố cho thấy, một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm để cải thiện thứ hạng. Có một số đơn vị kết quả năm sau thấp hơn năm trước, đại biểu đề nghị lãnh đạo 2 đơn vị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp của đơn vị mình trong thời gian tới?

ĐB Nguyễn Ngọc Việt (Tổ ĐB huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi chất vấn. 
ĐB Nguyễn Ngọc Việt (Tổ ĐB huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi chất vấn. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, việc cải cách hành chính tại huyện còn có những hạn chế, tồn tại, như cơ sở vật chất thiếu thốn, nguồn nhân lực hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến khả năng tự chủ của các đơn vị chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo của người đứng đầu của một số đơn vị chưa nghiêm túc; chưa nêu cao tinh thần chủ động trong cải cách thủ tục hành chính, còn suy nghĩ ỷ lại vào cơ quan thường trực. Đồng thời hiệu quả thông tin tuyên truyền cho người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công còn chưa đạt yêu cầu.

Để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Tiến Thiết cho biết, Huyện ủy đã ban hành các nghị quyết và kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng giải pháp khắc phục hạn chế và cải thiện chất lượng thủ tục hành chính, và nâng cao chỉ số hành chính trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết trả lời chất vấn. 
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết trả lời chất vấn. 

Huyện ủy Ứng Hòa đã ban hành 54 văn bản chỉ đạo, hoàn thành 16/24 chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 về cải cách thủ tục hành chính. Huyện cũng xác định, khắc phục 7/13 tồn tại của năm 2022 và sẽ tiếp tục cải cách, khắc phục các hạn chế còn lại.

Ngoài ra, huyện Ứng Hòa đã rà soát quy trình, quy chế làm việc của UBND huyện và các xã, thị xã và thị trấn theo tinh thần “Rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả”. 100% các đơn vị xã, thị trấn đã chủ động xây dựng quy trình, quy chế nội bộ.

Thêm vào đó, huyện xây dựng tiêu chí chấm điểm hàng tháng đối với các cá nhân lãnh đạo, gắn trách nhiệm với người đứng đầu của từng đơn vị. Thời gian qua, huyện đã thực hiện luân chuyển lãnh đạo các đơn vị, bao gồm 5 bí thư và 11 chủ tịch thị xã, thị trấn.

Huyện cũng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tới nay, vốn đầu tư công được giải ngân đạt 180% so với cùng kỳ. UBND huyện cũng đẩy mạnh thực hiện, áp dụng các sáng kiến cải cách, tới nay đã có 4 mô hình được ứng dụng và được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng.

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung trả lời chất vấn
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi về thực hiện chỉ số CCHC năm 2022 đạt thấp, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, quận nhìn nhận, sự cố gắng trong công tác này chưa đáp ứng, tương xứng với vị thế của quận, chậm hơn so với các quận, huyện bạn.

Trong báo cáo kiểm điểm công tác năm 2022, đây là 1 trong những tồn tại, hạn chế quận yêu cầu cần phải tập trung trong những ngày đầu, tháng đầu phải thực hiện, khắc phục.

Đến thời điểm này, quận đã khắc phục được 13/14 tiêu chí bị trừ điểm, còn 1 tiêu chí quận đang rà soát, khắc phục. Cùng với đó, quận gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND 18 phường trên địa bàn. Qua gắn trách nhiệm, đánh giá cán bộ hàng tháng, đến nay, công việc này đã có nhiều chuyển biến.

Quận đã tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục hồ sơ. Cấp phường cắt giảm 30/206 thủ tục. Về rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, cấp quận quyết liệt rà soát, đơn giản hoá 13/38 quy trình; cấp phường rà soát, đơn giản hoá 49/85 quy trình.

Cùng đó, quận đẩy mạnh uỷ quyền, giải quyết thủ tục hành chính, số hoá tài liệu, hiện quận đã số hoá xong hồ sơ lĩnh vực tư pháp. Về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, quận không để chậm muộn tồn đọng hồ sơ, trong năm 2022, quận đã giải quyết hơn 128.000 hồ sơ, đạt 99,99%. 6 tháng đầu năm, đã giải quyết 100% hồ sơ đúng hạn.

Quận đa dạng hoá tuyên truyền về cải cách hành chính, chuyển đổi số, gặp mặt người dân, doanh nghiệp, sáng tạo triển khai nhiều mô hình. Đến nay, qua tổng hợp, cơ bản người dân, tổ chức đánh giá ở mức độ hài lòng 99%.