Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: Có hình thức xử lý với từng hành vi bạo lực gia đình

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến khá phức tạp với nhiều hình thức tinh vi.

Các đại biểu đều đồng tình, sau 15 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiều vụ việc bạo lực gia đình, mức độ gây nguy hại nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp, nếu không kịp thời ngăn chặn bạo lực sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, suy yếu động lực phát triển bền vững của đất nước. Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình theo đó Điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Một là, hành vi bạo lực về thể chất. Hai là, hành vi bạo lực về tinh thần. Ba là, hành vi bạo lực về kinh tế. Bốn là, hành vi bạo lực tình dục.

Theo đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn tỉnh Thanh Hóa), các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Nên về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. Đại biểu chỉ rõ, về cơ chế xử lý xác minh, tin báo tố giác về bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp với tất cả các hành vi.

Theo đại biểu sẽ hiệu quả hơn nếu dùng thiết chế gia đình, xã hội để tham gia tư vấn giáo dục can thiệp bước đầu với số hành vi bạo lực mới được nhận diện về hình thức, hành vi mà không gắn với hậu quả cụ thể. Đồng thời các biện pháp xử lý cơ bản chưa được cụ thể hóa về căn cứ, điều kiện áp dụng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý.

Đại biểu Quốc hội Cao Mạnh Linh (đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Cao Mạnh Linh (đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quochoi.vn

Mặt khác, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính khả thi. Với 17 quy định cấm bạo lực, đại biểu cho rằng cần rà soát lại cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng việc lập cơ sở tạm giữ người bạo lực gia đình là không khả thi, không hợp lý, nếu không thực hiện khéo léo có thể dẫn đến vi phạm quyền con người.

Ngoài ra, Điều 56 của Dự Luật quy định hàng năm, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng quy định này là không khả thi, không cần thiết, gây bất cập trong việc triển khai áp dụng luật vào thực tiễn.

Liên quan đến hành vi bạo lực về kinh tế, theo đại biểu Lý Anh Thư (đoàn tỉnh Kiên Giang), trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính trong gia đình phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai? Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (đoàn tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (đoàn tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Quochoi.vn

Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong Dự Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền. Đại biểu đề nghị cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay. Quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Các đại biểu cũng góp ý, với 18 nội dung Dự Luật quy định về hành vi bạo lực gia đình, nên cân nhắc xem xét, phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ hành vi để làm cơ sở xây dựng quy định, chế tài tương ứng với các điều khoản tiếp theo của Luật này, vừa đảm bảo khoa học, dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn.

Cần thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình

Tập trung góp ý vào vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn tỉnh Bắc Kạn) nêu thực tế, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75 %. Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của em.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng cho rằng, đặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài ra, phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này, vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật để có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình, nhưng tránh sự chồng lấn, sự mâu thuẫn giữa hai luật này.

Về biện pháp hòa giải vụ việc bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em cũng tiến hành hòa giải chưa phù hợp vì đây là những đối tượng đặc biệt cần phải có sự bảo vệ đặc biệt. Đại biểu đề nghị sửa lại quyết định này theo hướng, đối với trường hợp bạo hành trẻ em mãi đến mức phải xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính cần áp dụng biện pháp tương xứng. Trường hợp mà chưa đến mức hình sự hoặc chưa đến mức hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp góp ý, phê bình quy định tại Điều 23 của Dự Luật để kịp thời cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn chủ trì để kịp thời ngăn ngừa bạo lực trẻ em tiếp diễn mà không nên cho hòa giải đối với trường hợp này…

“Một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn”- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Từ đó, kiến nghị 3 giải pháp: Một là, kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em. 

Thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba, kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.