ĐB Quốc hội đề xuất bình ổn giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, nếu đưa điện vào diện bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách, nên Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Người dân hoan nghênh nếu bình ổn giá điện

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) cho hay, hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luận bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện. Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) cho rằng nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) cho rằng nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Từ đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định hiện nay Nhà nước định giá điện nhưng cũng còn “bao cấp”. Vấn đề đặt ra là tại sao không đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá? Hiện nay 100% người dân đều sử dụng điện vậy tại sao không bình ổn giá. Nếu đưa điện vào diện bình ổn giá, người dân rất hoan nghênh.

Nếu bình ổn giá điện phải sửa Luật Ngân sách

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật. Cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp nhà nước quan trọng phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá. Việc định giá này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn, đảm bảo nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

“Doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là EVN - Tập đoàn Nhà nước chiếm trên 50%, nên nếu đưa vào diện bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách, nên Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.