Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Quốc hội lo ngại về các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử và các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Chiều 4/6, từ 14 giờ 30 đến 17 giờ, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực công thương. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & Công nghệ, Thông tin & Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh), hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ
Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh), hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ

Gia tăng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử 

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. 

Đại biểu đề nghi Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này? Qua đó hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi đó, đại biểu Mai Khanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) cho biết, Bộ Công thương hiện đang công khai các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử. 

Đại biểu Mai Khanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) chất vấn
Đại biểu Mai Khanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) chất vấn

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Đồng thời cho biết, Bộ Công thương đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thương mại điện tử, về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. 

Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

 Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử; Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể…