“Nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát”
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đánh giá rất cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung giám sát tối cao. “Báo cáo giám sát tổng cộng 93 trang nhưng nêu những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê hơn 60 trang, có thể thấy nhìn đâu cũng thấy lãng phí. Nếu những tồn tại, hạn chế trên được khắc phục thì công cuộc xây dựng đất nước ta còn nhiều thành tựu hơn nữa”- đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Đề cập tới vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là các dự án treo, quy hoạch treo, đại biểu cho rằng đây là “sự lãng phí vô cùng lớn”.
Lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng, sự lãng phí to hơn, lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với nhà nước. “Những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân"- đại biểu nêu.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành rà soát và tháo gỡ để người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo giảm bớt khó khăn. Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cũng cho rằng, nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy như tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Các vụ sai phạm của cán bộ gần đây đều có bóng dáng của quản lý nhà đất.
Đại biểu dẫn ra theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án để đất hoang hóa. Trong khi chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, như quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ, sử dụng không đúng mục đích chưa được xử lý kịp thời...
Lấy ví dụ ngay tại tỉnh Lâm Đồng, đại biểu chỉ ra có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm hai thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Đó là sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53ha thì bị lấn chiếm khoảng 40ha. Sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ... "Những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri"- đại biểu nói.
Theo đại biểu, trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Tài sản công bị lãng phí trầm trọng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá, giai đoạn 2016-2021, việc rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực. Đến giữa năm 2019, bộ ngành, địa phương đã kê khai và đề xuất xử lý 202.600 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 7.200 triệu mét vuông đất và 276 triệu mét vuông nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 150.000 cơ sở.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sáp nhập còn bất cập. Có những địa phương trụ sở làm việc bị phân tán do duy trì hai đến ba nơi làm việc như trước sắp xếp. Có địa phương đã hoàn thành sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc thì lại chật chội, không đáp ứng yêu cầu do số lượng cán bộ, công chức mới tăng lên, trong khi đó nhiều trụ sở bị sáp nhập lại bỏ không. Việc thanh lý, bán đấu giá tài sản công, dôi dư sau sắp xếp còn gặp khó khăn do nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển.
Dù một số trụ sở bỏ hoang, có cơ quan ngành dọc trung ương đóng ở các tỉnh lại rất nhỏ hẹp, không đủ diện tích, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của cán bộ công chức. Đơn cử như một số chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trên đã được xây dựng từ năm 2011, với quy mô cho 4-5 biên chế, nay do công việc nhiều hơn nên đã có 10 biên chế nên không gian làm việc rất chật hẹp. Có đơn vị phải đi thuê kho, trong khi đó là nơi lưu giữ vật chứng phục vụ xét xử, và tạm giữ tài sản thi hành án dân sự.
Ngược lại, có cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, là đất vàng ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.
Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành có trụ sở dôi dư nhanh chóng bàn giao cho địa phương để sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực; kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cũng nhấn mạnh, việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí. Đặc biệt, cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua.
Chỉ rõ những điều này, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để. Đại biểu cũng phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng sốt, nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề còn tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Đại biểu đề nghị thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý và nghiêm xử lý nghiêm các vi phạm. Điều quan trọng nhất đó là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan để bổ sung những còn thiếu sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.