ĐBQH đề xuất chính sách để không còn những cuộc "di dân hướng ra phố thị"

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "Không ai muốn chối bỏ quê hương, song nếu mức sống và tiện nghi sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn quá khác xa nhau thì chúng ta sẽ còn chứng kiến những cuộc di dân ngày càng lớn hơn nữa hướng ra phố thị"-ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn tỉnh Thái Bình) bày tỏ.

Các ĐB Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.vn
Các ĐB Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.vn

Các giải pháp tạo "sức khỏe" cho doanh nghiệp

Sáng 28/10, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về tinh hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023, ĐB Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn tỉnh Bắc Ninh) nêu, bài toán đặt ra làm thế nào để doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe, hạn chế tác động bên ngoài, phát triển vững mạnh trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế. Vì thế, ĐB đề xuất cần tập trung ưu tiên tháo gỡ rào cản, nút thắt thể chế, đặc biệt là 2 chỉ số cạnh tranh khu vực công và quyền tài sản.

ĐB nhấn mạnh: Cần thay đổi tư duy cải cách thể chế theo hướng đồng hành, hỗ trợ coi doanh nghiệp là đối tác thay vì đối tượng quản lý. Từng bước chuyển sang giai đoạn quản trị hoàn thiện các yếu tố then chốt như cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, chính sách thực thi, xây dựng thành chính phủ điện tử, tăng cường dịch vụ công, khung pháp chế thuận lợi cho đầu tư kinh doanh...

Tiếp đó là xây dựng chính sách đặc thù, nhất quán về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa, đủ khả năng trở thành đối trọng, đối tác, mắt xích quan trọng trong khối giá trị sản xuất cung ứng với khối FDI. Qua đó thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng vật tư, liên kết ngành tạo thế cân bằng giữa các thành phần kinh tế.

ĐB Nguyễn Như So (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Nguyễn Như So (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB cũng nêu tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có chính sách đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực có tính nền tảng, then chốt như sản xuất công nghiệp máy móc, thiết bị, sản phẩm y tế, giống cây trồng, vật nuoi, sản phẩm có tính cạnh tranh quốc gia... giúp tình hình thị trường tái cấu trúc ngành, kéo theo doanh nghiệp nhỏ tham gia.

"Bất kỳ nên kinh tế nào cũng phải có nuôi dưỡng, chăm sóc để có những con sếu đầu đàn dẫn dắt cả đàn sếu bay xa, bay nhanh và bay đúng hướng", ĐB nói.

Giải pháp nữa được ĐB đề xuất là xây dựng và đảm bảo ổn định chuỗi giá trị cung ứng bằng cách tập trung đổi mới sáng tạo, gia tăng tỉ lệ nguồn cung nội địa, chủ động tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu. Rà soát đánh giá công tác quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù của từng địa phương để tích tụ đất đai, xây dựng nguồn nguyên liệu nhằm có sự chủ động.

Bên cạnh đó, tập trung khai thác thị trường trong nước quyết liệt hơn nữa, giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá hệ thống xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sáng tạo, thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo tính tự chủ, năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt. Các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước cần thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Cùng đó là điều hành linh hoạt chính sách tài khoán tiền tệ, bám sát tình hình thực tiễn, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, cung ứng sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển cùng với các giải pháp giảm tác động chi phí đầu vào như nguyên liệu đầu vào, lạm phát, logistic... để tháo gỡ nút thắt giải ngân theo kế hoạch, phục hồi kinh tế.

Quan tâm đồng bộ để tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp

ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Đoàn tỉnh Thái Bình) bày tỏ sự trăn trở khi trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

ĐB chỉ ra hạn chế, tồn tại trong việc thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Vật tư nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm; tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào các hộ nhỏ, thiếu liên kết; việc tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

ĐB nêu vấn đề: Hiện nay cơn "sốt" đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Cùng đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương đề phòng bất trắc nên dù người nông dân bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất kinh doanh.

Theo ĐB Nguyễn Văn Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng nguyên nhân sâu xa nhất bắt đầu từ thể chế của chúng ta đang còn những nút thắt, lực cản. Để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn đòi hỏi có giải pháp mang tính chiến lược. 

ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn tỉnh Thái Bình) trăn trở khi tỉ trọng nông nghiệp chiếm tỉ lệ thấp trong tổng mức tăng chung của nền kinh tế. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn tỉnh Thái Bình) trăn trở khi tỉ trọng nông nghiệp chiếm tỉ lệ thấp trong tổng mức tăng chung của nền kinh tế. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ĐB, một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và Nhân dân trong đợi ở Kỳ họp ày là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Chính sách mới trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song theo ĐB, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn, rất cần sự quan tâm đồng bộ và toàn diện.

ĐB kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra, trên cơ sở thí điểm Chính phủ cần sớm có đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về việc tách bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện đại trà góp phần tháo gỡ nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang tồn tại.

ĐB bày tỏ, việc hoàn thiện chính sách pháp luật sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là dân khu vực nông thôn; giúp cho người nông dân - nhất là những nông dân trẻ tuổi ngày càng chuyên nghiệp hơn, phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số, có sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ, kỹ thuật và thị trường.

"Cử tri và Nhân dân mong Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách phù hợp để giải quyết những vấn đề nêu trên, giúp người nông dân không phải vật lộn cái với khó, cái nghèo và đau đáu với lựa chọn có nên tiếp tục duy trì nghề nông nữa hay không? Và họ cũng không còn phải trăn trở với câu hỏi ở lại hay ra đi khỏi làng"- ĐB nêu.