Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để các lớp học trực tuyến an toàn: Chỉ ngành giáo dục vào cuộc là chưa đủ

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng dở khóc, dở cười hay bị quấy rối bởi những kẻ lạ mặt xâm nhập lớp học trực tuyến đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều người cho rằng, tính bảo mật chưa được coi trọng, trong khi đó, Bộ GD&ĐT mong các ngành cùng vào cuộc.

Có kẻ xấu xâm nhập
Mang máy tính xách tay đến cơ quan làm việc, chị Lê Hồng Vân (có con học lớp 7 ở quận Hà Đông, TP Hà Nội) hốt hoảng khi vào mục lịch sử “chat” thì phát hiện con trai chị cùng nhóm bạn rủ nhau xem “clip 18+”. Sự việc khiến cho chị vô cùng lo lắng bởi chiếc máy tính này chị Vân sử dụng chung với con trai. Hàng ngày, con chị vẫn dùng để tham gia các lớp học trực tuyến.
Các giáo viên được đề nghị trang bị kiến thức cần thiết về công nghệ để giảm thiểu nguy cơ tại các lớp học trực tuyến. Ảnh: Bảo Trọng
Nguy hiểm hơn, ít ngày gần đây, trên mạng xã hội đã có một số người lập group (nhóm) chia sẻ ID và pass room có tên gọi “Hội chia sẻ ID+pass room” để cùng đưa thông tin tài khoản cá nhân lên mạng, lôi kéo các phần tử quấy phá lớp học trực tuyến của mình. Mặc dù hiện tại, nhóm chia sẻ này đã không còn hoạt động công khai nhưng đã kịp gây hoảng loạn cho nhiều giáo viên, học sinh bởi những clip tục tĩu, có nội dung ngoài bài giảng.
Trong văn bản gửi các trường học trên cả nước ngày 13/4, Bộ GD&ĐT khẳng định: Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng, không bảo đảm an toàn. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet.
Cần sự chung tay để bảo đảm an toàn, hiệu quả
Chiều 13/4, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, cần kết hợp nhiều giải pháp, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành mới có thể giải quyết triệt để những rủi ro, nguy cơ xấu từ các lớp học trực tuyến.
Ông Bùi Văn Linh phân tích, trước hết, cần nhìn nhận việc các lớp học trực tuyến hay trên truyền hình hiện nay là câu chuyện mang tính tình thế và cũng là sự chủ động của ngành giáo dục khi ứng phó với dịch bệnh. Mặc dù, việc xây dựng các lớp học từ xa hay trên truyền hình là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng phải thẳng thắn khẳng định, mô hình này còn khá mới cho bức tranh chung của toàn ngành giáo dục.
“Cũng bởi do còn khá mới mẻ nên khó tránh được những thiếu sót, khiếm khuyết khi vận hành và chỉ ngành giáo dục vào cuộc là chưa đủ. Để có các lớp học trực tuyến an toàn, sẽ cần thêm sự hỗ trợ, vào cuộc của lực lượng an ninh mạng, kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu các phần tử cố tình phá hoại, gây rối, làm ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của giáo dục” – ông Linh nói.
Còn theo ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, do mô hình lớp học trực tuyến chưa đạt được mức “chính quy, hiện đại” nên để có được môi trường giáo dục an toàn, ngoài việc thiết lập tính bảo mật của từng phần mềm, rất cần sự sát sao, vào cuộc mạnh mẽ ngay từ đầu của các bên liên quan.
Cụ thể, ở các cơ sở giáo dục cần xây dựng quy chế, siết chặt hoạt động của các lớp học trực tuyến. Đối với các lớp học phải có nội quy, trong đó phân vai rõ giáo viên cần làm gì, ứng phó ra sao khi xảy ra tình huống ngoài ý muốn. Nhà trường cũng phải hướng dẫn học sinh cách xử trí khi bị phá rối... Bên cạnh đó, việc mua bản quyền hoặc tìm kiếm các phần mềm tối ưu hơn cũng là giải pháp được nhiều cơ sở giáo dục nghĩ đến.
Hiện tại, nhiều trường đã chủ động lên phương án phòng tránh từ xa những tình huống xấu có thể xảy ra tại các lớp học trực tuyến. Đơn cử như 20 lớp học tại trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, giáo viên đã xây dựng các waiting room (phòng chờ) kèm chế độ xét duyệt từ giáo viên. Trước khi học sinh được đăng nhập vào lớp học sẽ phải qua waiting room, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra, nếu đúng thành phần mới cho vào lớp học.

Ngày 13/4, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan đề nghị các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên khi tham gia các lớp học trực tuyến. Bộ đề nghị các đơn vị tiếp tục tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua internet. Bộ cũng khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.