Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề cao trách nhiệm của giám thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/6, hơn 72.000 thí sinh (TS) lớp 9 ở Hà Nội bước vào môn thi đầu tiên (Ngữ văn) của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015.

Với nhiều đổi mới, trong đó đáng chú ý là quy định giảm chỉ tiêu tuyển sinh, giảm sĩ số học sinh/lớp, kỳ "vượt vũ môn" quan trọng này vốn đã căng thẳng càng thêm "nóng".

Chủ tịch HĐCT chịu trách nhiệm toàn diện

Sáng qua (22/6), TS đã đến trường đăng ký dự thi để xem lại số báo danh, phòng thi và nghe phổ biến quy chế thi. Tại trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), Chủ tịch Hội đồng coi thi (HĐCT) đã hướng dẫn tỉ mỉ quy chế kỳ thi về những vật dụng được, không được mang vào thi: TS chuẩn bị đầy đủ thẻ dự thi, Chứng minh Nhân dân, bút; không được sử dụng điện thoại trong quá trình làm bài thi; được mang các loại thiết bị ghi, thu nhưng không có chức năng phát; TS sẽ bị đình chỉ thi trong 2 năm nếu có hành vi hành hung giám thị… Năm nay, toàn TP có 150 HĐCT với 2.970 phòng thi. Trước khi kỳ thi diễn ra, Hà Nội đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra điều kiện tổ chức thi của các HĐCT. Các đoàn tập trung kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí các phòng thi, phương án phòng ngừa sự cố và bảo đảm an toàn tại các điểm thi. Khâu tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia coi thi được đặt lên hàng đầu.

 
Các thí sinh xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THCS Chu Văn An sáng 22/ 6. 	 Ảnh:  Thanh Hải
Các thí sinh xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THCS Chu Văn An sáng 22/ 6. Ảnh: Thanh Hải

Ông Nguyễn Cao Biền - Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trách nhiệm cuối cùng tại mỗi HĐCT thuộc về chủ tịch HĐCT trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, đến tổ chức coi thi… "Trong quá trình tổ chức thi, chủ tịch HĐCT phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng vị trí, tránh tình trạng chồng chéo khi làm nhiệm vụ hoặc không nắm rõ phần việc, khu vực được phân công. Kế hoạch này phải được thể hiện bằng văn bản và gửi đến từng thành viên, khâu nào để xảy ra sai sót thì cá nhân được phân công nhiệm vụ phải chịu xử lý kỷ luật, chủ tịch HĐCT liên đới chịu trách nhiệm. Trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, ngoài việc xử lý kỷ luật theo quy định, cán bộ, giáo viên sai phạm sẽ bị cấm tham gia làm nhiệm vụ thi 3 năm liền. Các chủ tịch HĐCT có trách nhiệm rà soát các điều kiện tổ chức thi tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm cuối cùng nếu để xảy ra sự cố" - ông Biền nhấn mạnh.

“Siết” khâu giám thị

Cùng với nâng cao trách nhiệm chủ tịch HĐCT, Sở cũng siết chặt khâu giám thị coi thi. Theo đó, việc phân công giám thị phòng thi chỉ được công bố trước mỗi buổi thi và bảo đảm nguyên tắc: 2 giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường (một người dạy THCS, một người dạy THPT); Giám thị không coi thi quá một lần đối với mỗi phòng thi; 2 giám thị không cùng coi thi quá một lần.

Ngoài điều kiện về chuyên môn, đội ngũ giám thị phải hội tụ đủ 6 chữ "Công tâm, trách nhiệm, thạo việc" để có thể chủ động kiểm soát tình hình tại phòng thi được phân công, xử lý kịp thời và đúng quy chế các tình huống phát sinh. Với tính chất cạnh tranh của kỳ thi, nguy cơ TS mất trật tự, lộn xộn trong phòng thi để trao đổi bài không nhiều, song lại đặt ra yêu cầu đối với giám thị coi thi: Chấp hành đúng quy chế, nghiêm khắc khi phát hiện sai phạm, nhưng không được gây áp lực cho TS.

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo các HĐCT quan tâm đến khâu hậu kiểm, chủ tịch HĐCT phải trực tiếp kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng giám thị, tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho những giám thị chưa nắm chắc quy chế. "Kỳ thi tuyển sinh vào 10 khác kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, phạm vi hẹp hơn, có tính cạnh tranh cao hơn. Phòng thi yên tĩnh do có tính "chọi" cao, TS tập trung làm bài, tuy nhiên, nếu giáo viên thiếu trách nhiệm, sẽ xảy ra sự cố không đáng có. Trách nhiệm của chủ tịch HĐCT tại kỳ thi này là quán triệt tới mọi thành viên phải coi thi bằng ý thức, trách nhiệm cao nhất đối với vị trí được phân công, góp phần nâng cao chất lượng  đầu vào ở cấp THPT" - ông Độ nhấn mạnh.