Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2024):

Đề cao trách nhiệm, vào cuộc kịp thời

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-94 năm qua, kể từ khi được thành lập đến nay, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, tại Đảng bộ TP Hà Nội công tác xây dựng Đảng được chú trọng triển khai tốt từ công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, công tác tư tưởng...

Bế giảng một lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của TP Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Bế giảng một lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của TP Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, với tinh thần chung là đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, với sự vào cuộc kịp thời, đã không để phát sinh điểm nóng.

Đổi mới trong tư duy, biện pháp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh với trung tâm là sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Tiếp thu những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự đoàn kết thống nhất, trong 94 năm qua, kể từ khi thành lập (17/3/1930 - 17/3/2024) Đảng bộ TP Hà Nội, trong các kỳ Đại hội, vấn đề trọng yếu này luôn được đặt ra một cách nghiêm túc, xem xét toàn diện và đề ra những nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng ngày càng bền chặt.

Thành ủy và các cấp ủy Đảng tại TP luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy đối thoại để thuyết phục, coi công khai, minh bạch là yếu tố quyết định. Đảng bộ TP Hà Nội cũng luôn thể hiện sự quyết liệt trong hành động; sáng tạo, đổi mới trong tư duy, biện pháp. Đặc biệt việc phát huy vai trò nêu gương từ người đứng đầu cấp ủy đến cán bộ, đảng viên toàn TP. Lãnh đạo TP Hà Nội thường kỳ đối thoại trực tiếp với dân, chỉ đạo xử lý những bất cập, bức xúc của Nhân dân mà chính quyền cơ sở chưa giải quyết hiệu quả, để kéo dài, xóa các “điểm nóng”; lan tỏa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, nêu gương của những người đứng đầu các cấp.

Thực hiện lời dạy của Bác về trách nhiệm người đảng viên, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ Hà Nội chú trọng chỉnh đốn tác phong công tác, hướng tới xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” được ban hành và triển khai, với 25 biểu hiện cụ thể của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy được chỉ rõ, tiếp tục tạo ra thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng coi thái độ qua loa, xuề xòa trong công việc là không làm sao cả. Kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm xử lý công việc được nâng lên.

Cùng với đó, Thành ủy tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt kỷ cương kỷ luật, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ, điều động luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đặt cán bộ ở đúng vị trí sở trường, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, cán bộ yếu kém, mất uy tín, tín nhiệm... Đồng thời, với tư duy đổi mới, ngành xây dựng Đảng của TP cũng đã chủ động tham mưu, góp phần hình thành hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ của TP ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn. Trong đó, nổi bật phải kể đến là đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về công tác đánh giá cán bộ. Nhờ lấy “thước đo” là hiệu quả công việc nên đã khắc phục tình trạng cào bằng, hình thức. Đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu…

Thúc đẩy sự phát triển

Chính sự gương mẫu trong thực hiện lời dạy của Bác về công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, đã lan tỏa tới từng cấp ủy và đảng viên. Mỗi cấp ủy Đảng đều nỗ lực đổi mới, sáng tạo để đóng góp vào thành tích chung của Thủ đô.

Năm 2024, TP tiếp tục triển khai những bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với nhiều nhiệm vụ trọng tâm lớn như hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua và đưa vào thực hiện, để tháo gỡ khó khăn về thể chế; trình và đưa vào thực hiện sau khi được thông qua với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để bố trí không gian phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm theo kế hoạch; hoàn thành các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân…

Trong đó, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị vẫn được đặt ra. Cùng với đó, lãnh đạo TP đã yêu cầu các cấp ủy nắm bắt tình hình cơ sở; định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của tổ chức, đảng viên và Nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; đề cao sự đổi mới, sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển.

TP Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường kỳ đối thoại trực tiếp với dân, chỉ đạo xử lý những bất cập, bức xúc của Nhân dân mà chính quyền cơ sở chưa giải quyết hiệu quả, để kéo dài, xóa các điểm nóng. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu đã đặt ra.