Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đế chế” bán lẻ trên thị trường nội địa

Bài, ảnh: Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chiến lược Point of Life, Tập đoàn Masan đã làm thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ Việt Nam. Từ một công ty tiêu dùng truyền thống, Masan đã tăng tốc ứng dụng công nghệ, vươn lên trở thành “đế chế” tiêu dùng - bán lẻ hiện đại với quy mô lớn nhất thị trường nội địa.

Điểm nhấn bên trong cửa hàng WIN là quầy đảo và khu vực thanh toán trung tâm được thiết kế 360 độ, thực hiện thanh toán thuận tiện và nhanh chóng tất cả các đơn hàng.
Điểm nhấn bên trong cửa hàng WIN là quầy đảo và khu vực thanh toán trung tâm được thiết kế 360 độ, thực hiện thanh toán thuận tiện và nhanh chóng tất cả các đơn hàng.

Tự tin bắt tay với các “gã khổng lồ”

Xuất phát điểm là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, sau 26 năm, thông qua việc sở hữu hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích có quy mô lớn nhất cả nước, Masan đã xây dựng cho mình một nền móng trụ cột vững chắc trong hành trình phục vụ người tiêu dùng.

Hiện nay, WinCommerce là hệ thống bán lẻ có quy mô và doanh thu lớn nhất tại Việt Nam. Quy mô khủng về điểm bán offline cũng giúp Masan có lợi thế vượt trội để cạnh tranh trên kênh online. Đây được coi là chiến lược “đi bằng hai chân” của Masan, một mặt giữ vững vị thế hàng đầu thị trường về quy mô điểm bán offline, một phần tăng tốc tích hợp online, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới.

Bên cạnh đó, Masan cũng đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ để chuyển đổi tập đoàn này trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ. Năm 2021, Masan đã bắt tay hợp tác với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba và Quỹ đầu tư Baring Private Equity (BPEA). Trong khuôn khổ của thỏa thuận này, WinCommerce – đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ của Masan thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó, WinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Tập đoàn Masan đã hé lộ “tấm bản đồ sức mua”. Theo đó, trên hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và AI đã chia mặt phẳng bản đồ Việt Nam thành những ô vuông có diện tích 100m x 100m. Sau đó, hệ thống tính toán mức thu nhập, sức mua, thiết kế hàng hóa phù hợp với từng khu vực rất nhỏ, từng ô vuông. Và có khoảng 33 triệu ô như vậy với hàng chục tiêu chí dữ liệu được cập nhật, phân tích để giúp lãnh đạo DN đưa ra quyết định về vị trí điểm bán, danh mục sản phẩm phù hợp và cả lượng cung hàng hóa cần chuẩn bị cho mỗi cửa hàng.

Nói về quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ, Tổng Giám đốc Danny Le cho biết, Masan đang tập trung vào 3 hoạt động chủ đạo. Đầu tiên, đó là tích hợp cung cấp dịch vụ tín dụng cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông thông qua việc ứng dụng công nghệ của Trusting Social và hợp tác với các đối tác ngân hàng. Thứ hai, đó là ứng dụng công nghệ AI và ML để gia tăng hiệu suất và khả năng thấu hiểu người tiêu dùng và cuối cùng, là tạo nên một nền tảng nhân sự mới để liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền cho nhân viên bởi Masan tin rằng con người chính là nền tảng của hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo Tập đoàn này chia sẻ điều quan trọng là cần xây dựng một đội ngũ vững mạnh, không nhất thiết phải là những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, mà là những người hiểu rõ về công nghệ để đưa ra giải pháp, đồng thời có tư duy “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” phù hợp với chiến lược chung của Masan để mang lại giá trị cho người tiêu dùng.

 

Masan không muốn bị cuốn theo các xu hướng công nghệ, những mỹ từ phức tạp chỉ vì đó là xu hướng mới. Câu hỏi đầu tiên Masan luôn đặt ra là cần giải quyết thách thức nào của thị trường. Và khi tìm ra câu trả lời, Masan sẽ vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức đó.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le