Chúc mừng năm mới

Để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 sắp bắt đầu hứa hẹn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc và tỏa sáng các giá trị văn hóa truyền thống.

Cũng như mọi năm, ngành văn hóa và các quận, huyện, thị xã đã sớm chuẩn bị kế hoạch, lên phương án tổ chức để có một mùa lễ hội vui tươi song vẫn bảo đảm an toàn, tiết kiệm, văn minh.

Nhiều điểm mới

Là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc, Lễ hội chùa Hương được ví như “hành trình về đất Phật” và nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách. Lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 Âm lịch). Với chủ đề “Lễ hội chùa Hương - điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, năm nay huyện Mỹ Đức tiếp tục đổi mới công tác tổ chức nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách thập phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng ban Tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương cho biết, để giảm phiền hà cho du khách, tránh thất thoát nguồn thu từ phí cho ngân sách, huyện Mỹ Đức quyết định phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò.

Hơn 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Hương Sơn đã được sửa sang, sơn đồng màu theo quy định, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí... “Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để hợp tác xã quản lý. Mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách” - ông Đặng Văn Cảnh cho biết.

Lễ khai hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 3/2/2025 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Ảnh: Phạm Hùng
Lễ khai hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 3/2/2025 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Ảnh: Phạm Hùng

Được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng), Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa - Lễ hội Gò Đống Đa cũng có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương, tế lễ, lễ rước kiệu; biểu diễn múa lân, múa rồng, võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...

 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 17/1/2025 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2025, do Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm quy định trong công tác tổ chức lễ hội; kinh doanh dịch vụ ăn uống, ép giá, bắt chẹt khách du lịch; ăn xin, bói toán, mê tín dị đoan; trộm cắp, cờ bạc dưới mọi hình thức…

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, điểm khác biệt là năm nay Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ được tổ chức vào tối 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) tại Công viên Văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan.

Một trong những lễ hội được nhiều người mong đợi là Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Đây là lễ hội đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo Ban Tổ chức, ngoài các nghi lễ truyền thống diễn ra hàng năm, lễ hội năm nay có nhiều đổi mới. Cụ thể, phần hội gồm nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực, sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ thực hiện nghi lễ trò chơi kéo mỏ (đền Bà, xã Xuân Thu) và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật...

Siết chặt công tác quản lý

Với mục tiêu hướng đến khẳng định chùa Hương là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, Ban Tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết thêm, địa phương tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của TP.

Với huyện Đan Phượng, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 25/12/2024 về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Theo đó, huyện yêu cầu tăng cường chỉ đạo hoạt động lễ hội ở địa phương, quản lý chặt chẽ việc tổ chức điều hành lễ hội theo đúng Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng lễ hội để tuyên truyền đạo trái phép, hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, bói toán, xóc thẻ, lừa gạt khách thập phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

“Huyện cũng yêu cầu các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức. Nguồn thu từ công đức phải được công khai sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, dành phần lớn để tu bổ, tôn tạo di tích, đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của Nhân dân. Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có trên 1.600 lễ hội, là địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước. Đánh giá của Sở VH&TT Hà Nội cho thấy, năm 2024 cơ bản các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui. Có được thành công đó là do sự chỉ đạo quyết liệt của TP và nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như người dân khi thực hiện, triển khai. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý, tổ chức lễ hội. TP cũng công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và du khách.

Tiếp nối thành công đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 8/1/2024 về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2025. Theo đó, việc tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc TP tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý về công tác tổ chức lễ hội truyền thống; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; vi phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ trong hoạt động tổ chức lễ hội.

UBND TP Hà Nội yêu cầu công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội, trong đó cấp TP số điện thoại đường dây nóng là: 0965404557; UBND các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị.

 

Ban Tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương sẽ tuyên truyền khuyến cáo tới du khách về tham quan thắng cảnh, lễ Phật đầu năm cần chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng ban Tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương