Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để doanh nghiệp không “ngại” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho doanh nghiệp, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khiến cho hoạt động hỗ trợ chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Số đơn đăng ký còn khiêm tốn

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng; đóng góp không nhỏ cho quá trình gia nhập thị trường nước ngoài cũng như quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho hay, hiện nay số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia/đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ là khoảng 50.000, nhưng chỉ có khoảng 280 đơn đăng ký quốc tế. Việc đăng ký ra nước ngoài không quá khó, nhưng vấn đề nhận thức là rào cản lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), lượng đơn Nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam được nộp tại các Cục, Cơ quan Sở hữu trí tuệ ở nước ngoài trong năm 2022 là hơn 4.900 đơn, chiếm 9,4% tổng lượng đơn có nguồn gốc Việt Nam, tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2018. Trong số các Cơ quan Sở hữu trí tuệ nước ngoài, USPTO (Mỹ) là nơi nhận nhiều đơn có nguồn gốc Việt Nam nhất với 1.049 đơn, tiếp đến là Hàn Quốc (104 đơn), Nhật Bản (96 đơn), Úc (87 đơn) và EU (83 đơn).

Mặc dù vậy, số lượng đơn nhãn hiệu được nộp tại nước ngoài của Việt Nam còn khá khiêm tốn và chủ đơn đa phần là các doanh nghiệp lớn như VinGroup, NutiFood, AceCook… Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần chưa quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, họ cũng chưa biết có cơ hội đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra nước ngoài hay không để thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt về thủ tục đăng ký, sợ tốn kém thời gian, chi phí...

Chia sẻ nguyên nhân của hạn chế này, Tổng Giám đốc Công ty Concetti Hàn Trường Minh cho biết, ngoài các vấn đề về điều kiện xuất khẩu, một trong những lý do chính có thể đến từ vấn đề chi phí đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài ở mức tương đối lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dẫn đến việc các doanh nghiệp thường khá thận trọng khi cân nhắc thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 9/9/2021 quy định về quản lý tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó nêu rõ mức chi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn. Mức hỗ trợ này tương đối phù hợp với mức phí cần phải chi trả tại nước ngoài nhưng trên thực tế, hoạt động hỗ trợ chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi tiếp cận nguồn ngân sách.

Ông Hàn Trường Minh chỉ ra, thông thường, thời hạn giải ngân cho khoản chi này là trong năm được duyệt. Trên thực tế, quy trình thẩm định tại nhiều quốc gia không có văn bản thông báo chấp nhận đơn, hoặc các văn bản tương ứng. Điều này gây ra một số vướng mắc, khó khăn khi doanh nghiệp được hỗ trợ không cung cấp được chứng từ phù hợp để nhận khoản hỗ trợ, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước cũng không đủ cơ sở để cấp kinh phí.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Bộ môn Quản trị thương hiệu - Khoa Marketing - Đại học Thương mại chỉ ra, doanh nghiệp có nhiều lý do để không đăng ký, nhưng đó là sai lầm. Rào cản dẫn đến doanh nghiệp Việt không đăng ký nhãn hiệu do nhận thức của các chủ doanh nghiệp cho rằng mình bé, không quan tâm đến trách nhiệm của mình. Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp chán nản khi tìm hiểu thông tin qua tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, kinh phí đăng ký không rẻ cũng là rào cản. Không có một doanh nghiệp nào xây dựng thành công nếu không có quyết tâm bảo vệ thương hiệu.

Cần sự hỗ trợ từ các bên

Hoạt động hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài cho doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của địa phương đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, tích cực triển khai, phù hợp với định hướng và nội dung Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Với vai trò của đơn vị tư vấn khi triển khai thực tế các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương để đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, đại diện Công ty Concetti đề xuất giải pháp đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng: xác định nhu cầu đăng ký; nghiên cứu pháp luật của quốc gia cần đăng ký; đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng cần đăng ký; đánh giá sự phù hợp của chủ thể đăng ký, đánh giá sự phù hợp của các tài liệu trong bộ hồ sơ nộp đơn… Tham vấn luật sư,đại diện sở hữu công nghiệp tại quốc gia cần đăng ký; nộp và theo đuổi đơn.

Đối với doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng lợi ích từ sự hỗ trợ, do đó doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đảm bảo sự hiệu quả của khoản hỗ trợ đó. Với những doanh nghiệp mạnh, chủ lực của địa phương thì việc bố trí một nguồn kinh phí đối ứng hoàn toàn khả thi, đặc biệt trong trường hợp nhãn hiệu của doanh nghiệp có kết quả tra cứu thuận lợi. Do đó, doanh nghiệp và địa phương cần có những thỏa thuận, cam kết để cùng thực hiện thành công mục tiêu chung là nhãn hiệu được bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu và mang tính chất trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là khi xuất khẩu ra nước ngoài. Để nhãn hiệu được bảo hộ thì việc đăng ký ở đâu, quốc gia nào là điều rất quan trọng. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh.