Theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024, Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cho phép rút ngắn chu kỳ điều chỉnh từ 6 tháng còn 3 tháng, có quy định rõ về cơ chế tăng - giảm. Mới đây, đại diện Bộ Công Thương đã khẳng định: “không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa”.
Đây là việc làm cần thiết vì giá điện là mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến các mặt hàng khác. Giá bán lẻ điện, hay nói rộng hơn là giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý gồm điện, y tế và giáo dục, không đơn thuần phụ thuộc vào chi phí đầu vào, mà còn phải gánh thêm những nhiệm vụ nặng nề khác như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ an sinh xã hội.
Trước đó, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, nhà chức trách cần bảo đảm công khai, tránh lạm quyền và giảm độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn. Song đại diện Bộ Công Thương nói việc này bảo đảm chi phí không bị dồn tích, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN và dần đưa giá điện theo thị trường.
Trong năm 2022 và năm 2023, EVN đã lỗ tổng cộng gần 38.000 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong thực tế, dù tăng giá 2 lần trong năm 2023 với mức 3% và 4,5%, EVN vẫn lỗ khi chi phí tài chính tăng cao, khiến tập đoàn này gặp khó khăn trong cân bằng tài chính.
Giá bán điện bình quân được xác định trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện… cùng các khoản chi phí khác được phân bổ theo quy định. Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, DN sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.
Quy định là vậy nhưng điều quan trọng là hàng năm hoặc hàng quý, cơ quan điều hành cũng như EVN cần kịp thời công khai các khoản chi phí, tình hình tài chính, tình hình sản xuất - kinh doanh để người dân có thể giám sát. Bên cạnh đó, làm sao phải bảo đảm được an ninh nguồn điện, ít nhất phải bảo đảm đủ điện. Những ngày này, nỗi lo thiếu điện cho mùa Hè tới tại miền Bắc đã được đặt ra. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu, điều này cũng được cộng đồng DN nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu tại Việt Nam bày tỏ lo lắng ảnh hưởng của thiếu hụt điện cục bộ đến sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề không phải là bao lâu mới được điều chỉnh giá điện mà phải minh bạch và tiến đến thị trường điện cạnh tranh. Không bao giờ có công thức tính đúng, tính đủ, một khi chưa hội đủ các yếu tố tự do cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Hiện khâu truyền tải là không thể thị trường hóa được do yếu tố độc quyền tự nhiên. Cần tái cơ cấu các khâu của ngành điện gắn dần cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra bán lẻ điện.
Ai cũng hiểu là khi có thị trường điện thì thuận mua vừa bán, DN nào bán đắt thì không có khách hàng, từ đó giá điện sẽ dao động và dần về giá hợp lý, lợi ích hài hòa giữa người dân và DN. Nhà đầu tư có lợi nhuận sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Khi đó giá điện mới có tăng, có giảm.