Thủ đô Hà Nội là một trong những thành phố có diện mạo cấu trúc đặc biệt, khi chứng kiến sự đan xen của các công trình mang hơi thở của từng giai đoạn phát triển - tiền phong kiến, phong kiến, thực dân, bao cấp và hiện đại: Thành cổ và phố cỗ vẫn tồn tại bên cạnh những con phố cũ theo kiến trúc thời Pháp thuộc; khu nhà tập thể có từ thời bao cấp nay được bao quanh bởi các tòa chung cư cao tầng hiện đại.
Cùng với những cảnh quan sông hồ, cây xanh, những ưu đãi của thiên nhiên và văn hóa “người Tràng An” nức tiếng một thời, đây là giá trị gia tăng cho sự phát triển của Thủ đô - trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của đất nước.Trong vòng sáu thập kỷ trở lại đây, Hà Nội thực sự phát triển vượt bậc. Riêng dân số đô thị của Hà Nội tăng gấp 8 lần, trong khi dân số Thủ đô nói chung tăng khoảng 12 lần (mức tăng dân số thuộc loại hàng đầu thế giới), và diện tích đất đai tăng 22 lần.
Đặc biệt, tỷ lệ dân số Hà Nội trẻ dưới 25 tuổi chiếm tới 40%, khá cao so với mặt bằng chung quốc tế. Điều này, nếu được khai thác một cách hiệu quả, sẽ góp phần hơn nữa vào sự năng động, sáng tạo của thành phố.Thêm một điểm đáng lưu ý nữa là tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội chưa cao với khoảng 49,1% trên tổng số 8 triệu dân. Đây là tỷ lệ khá thấp so với tiêu chí đô thị hóa chung của các thành phố, trong đó có một phần nguyên nhân khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008. Tuy nhiên, chính vành đai nông nghiệp xung quanh lõi đô thị trung tâm đã giúp ích rất nhiều cho Thủ đô trong việc kết nối lao động, dịch vụ, hàng hóa đô thị với nông thôn.
Để thấy, không phải vô cớ mà dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội từng được xem như một thủ đô của khu vực Đông Dương, khi xét đến những tiềm năng địa chính trị, kinh tế, văn hóa vô cùng lớn. Nhưng đi kèm với những cơ hội này là không ít áp lực đè nặng lên không gian đô thị, đặc biệt là trong giai đoạn Hà Nội, cùng cả nước, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Các vấn đề chủ yếu xuất phát từ mô hình thị trường “thành phố đơn tâm” (Monocentric City) - kiểu quy hoạch đô thị kinh điển, với tâm điểm là nơi tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và thu hút dân cư khắp nơi đổ vào đó để làm việc, học tập. Đi theo mô hình này, dưới sức ép của sự phát triển, khu trung tâm Hà Nội không tránh khỏi các “căn bệnh” chung đã được chỉ ra: Khi tất cả tụ vào một mối, thành phố dần xuống cấp do mật độ dân số quá cao, nhà ở cao tầng ngày càng mọc lên trong khi thiếu hụt cơ sở hạ tầng, thiếu không gian công cộng, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng... Trong khi đó, ở khu vực ngoại vi, là sự phát triển rời rạc, lộn xộn, thiếu kiểm soát. Đây đã là những nan đề lớn với Thủ đô trong suốt hơn 30 năm qua.Quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với dòng lao động di cư lớn liên tục đổ vào thành phố, đặt ra các nhu cầu lớn về nhà ở, đường sá, cầu cống và các cơ sở dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục cần được bổ sung, nâng cấp. Khi những nhu cầu này vẫn chưa được giải quyết đúng mực, hệ quả đã lộ rõ trong đại dịch Covid-19 tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.Chẳng hạn, giá nhà quá cao so với thu nhập trung bình trong khi lượng nhà ở xã hội còn hạn chế, phần đông người thu nhập thấp, người lao động nhập cư phải sống trong các khu nhà trọ, nhà ở tự phát trong các ngõ ngách chật hẹp, các chung cư cũ đã xuống cấp. Điều này khiến cuộc sống của lực lượng lao động quan trọng của thành phố không có sự đảm bảo an toan về vệ sinh môi trường, bao gồm cả việc cấp - thoát nước, thu gom xử lý rác thải, giao thông đi lại và cả lưu thông không khí. Do đó đã tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm có cơ hội lây lan.Nhìn chung, sự chuyển mình đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội đang diễn ra trong bối cảnh thiếu hụt hạ tầng tương xứng. Thực tế này còn đặt ra thách thức lớn hơn về mặt chính sách đối với đô thị Hà Nội là việc làm sao để bảo tồn các tài nguyên di sản vô giá ở khu vực nội đô cũ, trong khi vẫn phải đáp ứng được các nhu cầu phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Thủ đô.
Mật độ dân cư của Hà Nội đang trên đà tăng cao, với một số khu trung tâm như quận Đống Đa hiện lên tới trên 40.000 người/km2. Và như tôi đã nói, điều kiện sống chật hẹp là môi trường để dịch bệnh dễ lây lan, khi khó đảm bảo được vấn đề vệ sinh và giữ khoảng cách giữa người với người.Thực tế, ổ dịch ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, hay các ổ dịch ở nhiều khu vực đông dân của TP.HCM trong một số thời điểm đã phải thực hiện sơ tán người để ngăn chặn sự lây lan. Do đó, giãn dân và giảm mật độ dân cư là điều cần làm của các thành phố như Hà Nội, và hoàn toàn có thể thực hiện được.Thực tế, Hà Nội từ lâu cũng đã có những chính sách di dân, tái định cư, nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo quan điểm của tôi, rào cản đối với vấn đề di dân là khả năng chi trả cho nơi ở mới và việc đảm bảo sinh kế cũng như môi trường sống phù hợp của người dân. Trong bối cảnh đó, vấn đề mang tính giải pháp được đặt ra là tái định cư tại chỗ với việc cải tạo, tái cấu trúc sử dụng đất hiện hữu.
Hơn nữa, khi các khu phố lụp xụp trở thành các khu nhà ở và chung cư khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện nghi hơn, giá trị đất tại khu vực đó cũng tăng lên. Giá trị gia tăng này mang lại lợi nhuận cho cả người sở hữu nhà, đồng thời cũng chính là nguồn lực để các công ty phát triển xây dựng các không gian công cộng, dịch vụ mới cũng như để tái đầu tư cải tạo các “khu ổ chuột” khác của thành phố.Phương pháp quy hoạch này, được gọi là tái phân thửa, tái cấu trúc đất (Land Readjustment), đang được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đến các nước phương Tây, như Canada, Thụy Điển, áp dụng. Nhưng điều quan trọng là nó đòi hỏi có sự đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng người dân và doanh nghiệp, khi chính quyền đóng vai trò dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý.
Để khách quan, cần thừa nhận rằng đợt dịch lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội đã không trở nên quá nghiêm trọng như một số thành phố khác, chẳng hạn như tại TP. HCM. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù là địa phương với hơn 50% dân số còn ở nông thôn, tạo nên một vành đai nông nghiệp thuận lợi để cung cấp lượng nhu cầu lương thực nhất định cho Thủ đô nói chung, đặc biệt giữa bối cảnh vận tải khó khăn giữa các địa phương do dịch bệnh.Việc một “thực thể sống” thành phố đang trong quá trình đô thị hóa tạo ra được mô hình tự cung tự cấp chính là một phần giá trị của mối liên kết đô thị - nông thôn. Điều này không chỉ là lời giải trong bối cảnh dịch bệnh lúc này, mà là vấn đề cần được quan tâm thúc đẩy vì sự phát triển trong tương lai của Thủ đô.Mối liên kết thành thị - nông thôn bền chặt sẽ tạo ra được dòng chảy mạnh mẽ của lao động, vốn đầu tư, sản phẩm văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ và dịch vụ sinh thái giữa các khu vực trong thành phố và thậm chí liên vùng, liên tỉnh.
Tôi cũng đã từng nhấn mạnh vấn đề này trong một bài tham luận tại Diễn đàn Thành phố Thông minh Thế giới tổ chức gần đây tại Seoul, với tư cách là Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam. Rõ ràng, Covid-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm các thách thức đô thị hóa của chúng ta, bao gồm cả việc gia tăng sự bất bình đẳng ở các thành phố.Tuy nhiên, đại dịch cũng mang lại cho các thành phố cơ hội đầu tư vào các công nghệ sáng tạo và thông minh như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, xe tự hành, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, khoa học vật liệu, điện toán lượng tử… để cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện kinh tế xã hội của người dân.Do đó, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần nắm bắt thời điểm này để đầu tư vào các công nghệ hữu ích phù hợp, cũng như các dạng năng lượng tái tạo và linh hoạt hơn, nhằm tạo ra các giải pháp lâu dài, giảm thiểu rủi ro khủng hoảng trong tương lai và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu một cách thích hợp.Nhưng cần lưu ý rằng, theo đuổi áp dụng công nghệ số không có nghĩa là loại bỏ việc lập quy hoạch - kế hoạch, quản trị, quản lý tài chính hiệu quả. Công nghệ cũng cần được phổ biến rộng rãi và có giá cả phải chăng để có thể dễ dàng được tiếp cận bởi không ít người dân yếu thế hơn trong xã hội.
Hơn hết, công nghệ thông minh cuối cùng cũng chỉ là phương tiện để thành phố trở nên bền vững, thích ứng, an toàn và bao trùm hơn. Cùng với đó, văn hóa và sáng tạo phải là nguồn lực xã hội quan trọng cần được khai thông từ chính các cư dân của thành phố.
Tôi cho rằng Hà Nội nên đặt mục tiêu phát triển Thành phố Sáng tạo - Bao trùm - Thông minh (Creative - Inclusive - Smart City), để huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc đóng góp trí tuệ và sự sáng tạo cho sự phát triển bền vững của thành phố, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, Hà Nội - một trong các Thành phố Sáng tạo đã được UNESCO công nhận - cần huy động và khai thác hiệu quả nguồn lực dân số trẻ vốn là ưu thế của thành phố lúc này. Điều này được thể hiện trong dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ để đưa Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo”, theo một ký kết giữa UNESCO, UNIDO và UN-Habitat với Tập đoàn Sovico vào tháng 9/2020. Hợp tác bao gồm các hoạt động bảo tồn và phục hồi các di sản văn hóa, phục hồi các làng nghề và hỗ trợ các không gian sáng tạo để nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Thủ đô.Để theo đuổi bất cứ kế hoạch phát triển nào cũng đòi hỏi chính quyền các cấp khác nhau phải có sự cam kết về mặt lãnh đạo, xây dựng được mối quan hệ đối tác - hợp tác với các doanh nghiệp, giới học thuật và xã hội dân sự, cùng chia sẻ lợi ích vì mục tiêu phát triển chung.
Cá nhân tôi cho rằng, gốc rễ của những tồn tại trong vấn đề quy hoạch hiện nay của Hà Nội chính là mô hình kinh tế chinh trị trong quá trình chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Là Thủ đô của một quốc gia đang phát triển, Hà Nội không thể tránh khỏi thách thức khách quan là việc thiếu nguồn lực để giải quyết hang loạt các vấn đề đô thị.Bên cạnh đó, thách thức chủ quan chính là mô hình quản lý của địa phương vẫn còn nặng tính "bao cấp - xin cho" về hạ tầng, thay vì thực sự khai thác tối đa các nguồn lực về đất đai, nguồn tài sản xã hội, và chưa tận dụng được sức mạnh của cộng đồng. Thành phố cần thu hẹp những khoảng trống này bằng những quy hoạch và chính sách mang tính chiến lược, trong đó phải xác định rõ một tầm nhìn hiện thực, rõ ràng với các ưu tiên chiến lược cụ thể. Theo tôi, ưu tiên trước mắt của Thủ đô lúc này là cần khai thác các thế mạnh có tính cạnh tranh để phát triển. Văn hóa - bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể - rõ ràng là lợi thế của một Hà Nội nghìn năm văn hiến.Như vậy, các thiết kế, quy hoạch nên bám sát các mục tiêu vì Thành phố Sáng tạo, nhằm đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, trong đó chính quyền tạo hành lang pháp lý, kết nối doanh nghiệp, tổ chức với các cá nhân sáng tạo trong cộng đồng.Bên cạnh đó, tầm nhìn của đô thị Hà Nội cần quan tâm hơn đến mục tiêu lấy con người gắn với hệ sinh thái làm trung tâm của sự phát triển. Thành phố không chỉ nên tập trung vào phát triển các khu đô thị, các bất động sản mới mà cần phải có những chương trình cải tạo, nâng cấp và bảo tồn đối với những khu ở lộn xộn, ổ chuột cũng như những di sản văn hóa.
Chỉ như vậy, Thủ đô mới có thể giải quyết được các vấn đề tiếp cận nhà ở phù hợp cho người dân, giải phóng không gian công cộng, giảm thiểu các tác hại của ô nhiễm môi trường một cách bản chất.Đặc biệt, từ những bài học đau thương trong đại dịch lần này, lao động nhập cư, lao động tự do - đối tượng dường như vẫn còn “vô hình” trong các chính sách hỗ trợ của chúng ta nhưng lại là lực lượng lao động quan trọng của các thành phố lớn. Họ cần phải được đảm bảo vấn đề an sinh xã hội và có sự quan tâm sâu sát hơn. Để thực sự “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”!