“Khi mọi người yêu thành phố của họ và chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai, họ sẽ nỗ lực phấn đấu, làm việc và lao động vì nơi họ đang sống. Và bầu không khí đầy tích cực hứng khởi này sẽ thu hút những tài năng mới và các dự án thú vị, làm giàu thêm cho diện mạo và giá trị, bản sắc của Hà Nội”.
Đó là chia sẻ của Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Jonathan Wallace Baker với báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp 25 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý “Thành phố vì Hòa bình”.
Năm 2024 đánh dấu 25 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố vì hòa bình", ông có thể chia sẻ lý do Hà Nội được chọn?
Sáng kiến Thành phố vì hòa bình của UNESCO được Đại hội đồng UNESCO thể chế hóa vào tháng 11/1997, nhằm tôn vinh các thành phố đi đầu và mẫu mực trong tăng cường đoàn kết xã hội, cải thiện điều kiện sống và phát triển sự hài hòa đô thị - về cơ bản là để ghi nhận những đô thị trên thế giới nỗ lực hết mình để hiện thực hóa nền văn hóa hòa bình.
Trong quyết định của Đại hội đồng UNESCO chọn Hà Nội là đại diện duy nhất nhận danh hiệu này tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã lưu ý rằng: “Thành phố Hà Nội có thành tích ấn tượng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về bảo tồn di tích, giao lưu văn hóa và nghệ thuật, thúc đẩy nghề thủ công truyền thống, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và kiến tạo không gian xanh. Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục và đào tạo cho thanh thiếu niên, đây là ưu tiên trong chính sách phát triển của thành phố”.
Theo ông, Hà Nội đã thể hiện vai trò như thế nào với tư cách là một Thành phố vì Hòa bình trong những năm qua?
25 năm trước, dân số Hà Nội là 2,5 triệu người, trong khi con số đó giờ đã tăng gấp 3,5 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200.000 người mỗi năm. Cùng với đó là những thách thức về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý chất thải…
Mặt khác, đối diện với những thách thức này, cấu trúc xã hội- cơ sở để Hà Nội được công nhận vào năm 1999 vẫn được duy trì. Thành phố vẫn ưu tiên chất lượng cuộc sống tốt cho người dân, thực hiện các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trở thành một đô thị sôi động cho giới trẻ.
Khi đi dạo trên những con phố của Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận sự yên bình mê hồn bao trùm. Sự quyến rũ của kiến trúc, sức hút của trung tâm văn hóa và những làng nghề thủ công có từ nhiều thế kỷ của Hà Nội để lại ấn tượng sâu đậm. Đến thăm những di tích này, tôi cảm thấy như thể mình đã quay ngược về thời xa xưa, tìm thấy sự an ủi trong vòng tay của nét đẹp lịch sử.
Bên cạnh cảnh quan thu hút, những “thanh âm và hương vị” của Hà Nội cũng rất đáng để trải nghiệm. Đặc biệt là sự ân cần cởi mở và nồng hậu của con người nơi đây cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ, khắc sâu trong tâm trí.
Năm 2019, Hà Nội đã tham gia mạng lưới "Thành phố sáng tạo" của UNESCO. Sự kết hợp giữa hòa bình và sáng tạo có ý nghĩa gì?
Tôi tin rằng việc Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo về thiết kế dựa trên di sản hòa nhập và khoan dung với tư cách là Thành phố vì hòa bình của UNESCO.
Danh hiệu Thành phố sáng tạo là danh hiệu cho tương lai, đại diện cho tầm nhìn mới của Hà Nội, phản ánh các mục tiêu của Việt Nam với tư cách là một “người bạn” năng động và tích cực trong khu vực và thế giới.
Thành phố sáng tạo sẽ là sự bổ sung quý giá cho vị thế Thành phố vì hòa bình của Hà Nội. Những yếu tố then chốt để phát triển Hà Nội là tăng cường trao quyền cho người dân, đa dạng hóa nền kinh tế thông qua ngành công nghiệp văn hóa và hướng tới phát triển bền vững. Đây chính xác là logic làm nền tảng cho khái niệm Thành phố sáng tạo.
Theo ông, Hà Nội có thể làm gì để tiếp tục phát huy danh hiệu Thành phố vì Hòa bình mà UNESCO trao tặng trong thời gian tới?
Phát triển kinh tế nhanh chóng không chỉ đem đến cơ hội mà còn cả thách thức. Quá trình đô thị hóa của Hà Nội tiếp tục diễn ra cùng với các vấn đề như quản lý chất thải, cung cấp dịch vụ xã hội, tắc nghẽn giao thông, chất lượng không khí…tất cả đều gây áp lực lớn lên quy hoạch và tất cả những vấn đề mà Hà Nội đang nỗ lực để ứng phó. Đây là câu chuyện bình thường của nhiều thành phố trong một thế giới đô thị hóa nhanh chóng.
Điều tôi có thể khuyến nghị là, trong khi nguồn lực và quy hoạch rõ ràng là quan trọng, thì một yếu tố quan trọng của thành công là tầm nhìn. Tầm nhìn phát triển một Hà Nội hòa bình bền vững cần phản ánh mối quan tâm - và mong muốn - của người dân thành phố.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng mong muốn, mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân Thủ đô sẽ là kim chỉ nam tiên quyết. Khi mọi người yêu thành phố của họ và chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai, họ sẽ nỗ lực phấn đấu, làm việc và lao động vì nơi họ đang sống. Và bầu không khí đầy tích cực hứng khởi này sẽ thu hút những tài năng mới và các dự án thú vị, làm giàu thêm cho diện mạo và giá trị, bản sắc của Hà Nội.
Các ưu tiên và trọng tâm của UNESCO trong quá trình hợp tác với Hà Nội thời gian tới là gì?
UNESCO hiểu rằng Hà Nội tự hào về lịch sử hào hùng của mình, đồng thời vẫn luôn hướng tới tương lai. Chúng tôi tin rằng thành phố có tất cả các yếu tố phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, vì đây là yếu tố chính – Hà Nội thực sự có một “tâm hồn” đậm chất văn hóa. Do đó, UNESCO mong muốn hợp tác với thành phố không chỉ trong lĩnh vực bảo tồn lịch sử, mà trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho thời đại mới.
Chúng tôi tin rằng đây là cách để thành phố duy trì sự tăng trưởng hướng tới bền vững, thu hút nhân tài, tạo việc làm và đưa Hà Nội thực sự trở thành thành phố sáng tạo của khu vực và thế giới.
Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của UNESCO. Tôi rất tự hào và phấn khởi khi có cơ hội làm việc tại đất nước xinh đẹp này cũng như với các đối tác Việt Nam.
Là đại diện của UNESCO tại Việt Nam, tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác hiệu quả hiện có giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực để đóng góp vào sự bền vững, như truyền thông và thông tin, văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên và xã hội cũng như các chủ đề xuyên suốt bao gồm bình đẳng giới và sự tham gia của thanh niên.
Là một người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ông có trải nghiệm đáng nhớ nào muốn chia sẻ không?
Tôi tới Việt Nam từ tháng 1/2024 với tư cách là Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, tính đến nay đã gần 9 tháng. Mặc dù thời gian tới đây không lâu nhưng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc. Một trong số đó là chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nhờ đó, đúng vào dịp Tết Nguyên đán, tôi đã được tham gia những hoạt động rất ý nghĩa và đậm chất Việt tại Hà Nội như truyền thống dâng hương, cúng ông Công ông Táo và gói bánh chưng.
Trong bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng và đôi khi những nét văn hóa truyền thống bị lãng quên, những trải nghiệm này diễn ra tại địa điểm đặc biệt tâm linh vào một thời điểm rất quan trọng - Tết Nguyên đán - mang lại cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Điều đó giúp tôi hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, của Hà Nội. Những di sản hữu hình và vô hình của Hà Nội khiến mảnh đất này ngày càng đặc sắc.
Xin cảm ơn ông!
11:10 10/10/2024