Để hiền tài thực sự là nguyên khí quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà văn hóa lớn của dân tộc Nguyễn Trãi đã có lúc từng than thở: Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu.

Nhân tài hiếm vậy nên càng quý bởi nhân tài từ xưa đến nay thường được coi như quốc bảo, một thứ tài sản vô giá, vì nhân tài hoặc hiền tài hiếm đã đành mà còn vì họ bao giờ cũng chọn con đường nhập thế, con đường phụng sự đất nước, Nhân dân làm mục đích cao nhất và coi đó là hạnh phúc của đời mình. Theo nghĩa ấy, hiền tài càng quý hơn bởi đó là một tài sản quý, nếu biết sử dụng còn có thể làm sản sinh thêm nhiều tài năng khác, đem lại nhiều lợi ích hơn cho quốc gia.

 
Để hiền tài thực sự là nguyên khí quốc gia - Ảnh 1
Dân gian còn truyền tụng về tấm gương của nhiều hiền tài đã suốt đời tận tụy đem tài trí của mình cống hiến cho dân tộc, nhưng có lẽ trong chính sử chỉ còn ghi lại một câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung về  hiền tài có mối liên hệ như thế nào với thế nước, vận nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bối đắp nguyên khí”. Lần đầu tiên chúng ta thấy Thân Nhân Trung bàn về mối quan hệ chặt chẽ giữa hiền tài với sự phát triển của đất nước. Không nói gì cụ thể nhưng người tài ấy đã coi hiền tài là “nguyên khí quốc gia” mà nếu thời đại nào có nhiều hiền tài, đất nước sẽ có điều kiện để phát triển, thời đại nào hiếm hiền tài, đất nước sẽ khó bề thịnh vượng. Tư tưởng ấy, có lẽ, không phải trong một ngày đẹp trời nào đó cụ tự nghĩ ra mà là kết quả của bao nghiền ngẫm, theo đuổi, trải qua biết bao thành công và thất bại mới có được một sự tổng kết sâu sắc và minh triết đến thế.

Chính sử cũng từng ghi: Trần Anh Tông vốn là một ông vua thông minh và dưới triều vị vua này cũng có nhiều bề tôi sáng láng. Nhưng, tiếc thay, cũng dưới một triều vua thông minh có tiếng trong lịch sử đã để xảy ra vụ cáo quan về trí sĩ và vụ dâng sớ chém 7 gian thần không thành của tiên hiền Chu Văn An. Nỗi uất ức của vị vạn thế sư biểu không phải là do những lý do liên quan đến cá nhân mình mà vì những loạn thần, gian thần lũng đoạn triều chính, kẻ bề tôi như ông phải “treo ấn từ quan” bởi lời ngay không thấu đến người cầm quyền hoặc người cầm quyền đã không dám vì xã tắc, sơn hà mà từ bỏ những quan hệ vốn làm đẹp lòng họ. Ông thua, sơn hà, xã tắc bị thiệt bởi trong giới cầm quyền thiếu những vị quan thanh liêm chính trực, thiếu người tài ngồi ở vị trí chăn dân. Ông chấp nhận làm một lương thần, không chịu nhận làm trung thần để trái với lòng mình. Ông chọn đạo làm người để sống là mình, không chọn đạo làm quan để lợi cho mình nhưng hại cho dân, cho nước. Vì thế mà chính ông chứ không ai khác mãi mãi treo tấm gương trong “người thầy của muôn đời”. Gia tài tinh thần của ông, trải mấy trăm năm, vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho ngày hôm nay. Thế mới biết khi một người đã được coi là hiền tài, nhân cách và tài năng của họ đã trở thành một biểu tượng thì tự nó có sức mạnh của quyền lực tinh thần, cường quyền dù không ủng hộ cũng khó có thể bắt ông từ bỏ con đường đã chọn mà thời gian cũng không thể làm cho phai nhạt.

Trong “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung (do văn thần Ngô Thời Nhiệm soạn) có đoạn: “Trẫm thường mong mỏi, lắng nghe và liên tục hỏi những người tài cao học rộng… Trẫm luôn lo lắng và nghĩ rằng cái nhà to sức một cây cột làm sao chống nổi, sự nghiệp an dân quốc thái sức một người sao có thể đảm đương?”. Mối lo ấy, tâm sự ấy, dù hiển hiện mười mươi nhưng không phải một sớm một chiều đã chinh phục được giới sĩ phu Bắc Hà lúc đó vẫn còn đang ngờ vực. Bao nhiêu đắn đo, bao nhiêu e dè, bao nhiêu tính toán về lẽ xuất xử, hành tàng và Quang Trung hiểu điều ấy. Người lấy sự chân thành, gan ruột giãi bày với giới sĩ phu Bắc hà, mong họ hợp tác với mình để lo cho xã tắc. Hãy nghe lời ông bộc bạch với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - người được cho là lương tâm của thời đại ấy, người có tiếng nói quyết định về thái độ của giới trí thức Bắc Hà: “Quả đức sinh ra ở chốn binh đao, sự học hỏi chỉ ở sự nghe trông, nên trong đạo trị dân đã có nhiều điều thô lậu, phiền nhiễu, đó là cái tội bởi quả nhân chưa biết cầu hiền. Mong Phu tử nghĩ đến dân sinh, gắng sức giúp đời, giúp nước, để quả nhân có đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy, khỏi phụ ý trời sinh ra người tài giỏi cho dân. Quả nhân xin nghe theo lời dạy bảo”. Bậc đế vương khi giãi bày điều gan ruột về xã tắc, dân sinh đã không câu nệ chuyện vua tôi, hoàng đế với thần tử mà là tình của một người đang mang trên vai trọng trách của cả đất nước, đang muốn đi tìm người tài để chia sẻ với mình những lo lắng ấy. Không hứa hẹn, không đao to búa lớn gì, không dùng quyền uy, không dùng bổng lộc mà chỉ chân tình, chỉ nói chuyện quốc gia, sơn hà, chuyện dân sinh, chuyện nghĩa vụ của kẻ có học, chuyện đạo lý ở đời. Vậy mà thành công bởi La Sơn phu tử hiểu rằng, Hoàng đế cũng là một hiền tài, đã đem tấm lòng của hiền tài ra đối đãi với mình nên đã nhận lời giúp đời, giúp nước, để tỏ lòng tri ngộ.

Cố GS Trần Quốc Vượng trong một bài viết của mình về thế hệ bác M. và cha ông đã nghe theo lời kêu gọi và tấm gương của Hồ Chí Minh mà từ bỏ rất nhiều thứ vốn rất khó từ để đi cứu nước, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, quyết giành cho được độc lập dân tộc. GS cho rằng, sức hấp dẫn ở con người Hồ Chí Minh rất đa dạng nhưng có một phẩm chất rất dễ thu phục lòng người là sự chân thành và thái độ trân trọng năng lực, dù rất nhỏ ở mỗi người. Ngay sau khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác viết bài “Nhân tài và kiến quốc”, giống như một lời cầu hiền nhưng diễn đạt theo lối mới: “Kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều” và khẳng định: “Trí thức là vốn quý của dân tộc”. Một năm sau Người lại viết bài “Tìm người tài đức” nêu vấn đề cách mạng, kháng chiến rất cần những người tài để phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Người nhận khuyết điểm về mình vì chưa làm tốt công tác phát hiện, sử dụng nhân tài. Đáng chú ý là ngay ở bài viết này, Người đã chỉ ra một thực tế là phát hiện nhân tài đã khó, dùng được nhân tài còn khó hơn bởi, cũng như người xưa, Bác hiểu chỉ có những hiền tài mới biết sử dụng hiền tài. Người viết ngắn gọn nhưng sâu sắc về phương thức dùng người: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.

 
Ảnh: Văn Phúc
Ảnh: Văn Phúc
Như đã nói ở trên, ở thời nào cũng thế, để được coi là hiền tài, những cá nhân ấy phải là những tài năng thực sự. Bản tính thông minh hơn người, tài năng được phát lộ từ sớm nhưng những người được cho là có tài ấy còn phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng và chứng tỏ tài năng qua những việc làm cụ thể, có ích cho đời. Chính quyền phong kiến, ở thời nào cũng thế, thường chú trọng khâu đào tạo. Công việc này thường được giao cho một cơ quan phụ trách qua việc thi cử và khi một người nào đó đã “học thành tài” thì thường được bổ nhiệm một chức vụ để thi thố tài năng. Cũng không ít trường hợp người có tài nhưng vì lý do nào đó không đỗ đạt gì nhưng do giới thiệu (có kiểm chứng) cũng được bổ nhiệm và không ít trường hợp cũng được tôn vinh như những hiền tài bởi những đóng góp của họ cho đất nước. Các bậc hiền tài thường tài cao, đức trọng, giữ mình hết sức nghiêm cẩn qua việc tu thân và hành xử theo những chuẩn mực khó ai có thể chê trách điều gì. Họ là những người dấn thân, dũng cảm, cương trực, chỉ tuân theo lẽ phải, theo những đạo lý và những giá trị tinh thần được cả xã hội noi theo. Dù bị những lễ giáo phong kiến ràng buộc nhưng suy cho cùng, họ hành động không vì lợi ích cá nhân mà vì đất nước, dân tộc, giống nòi. Họ là những nhà yêu nước và những nhân cách văn hóa lớn. Bởi thế bao giờ họ cũng được Nhân dân yêu mến và ngưỡng mộ.

Ngày nay Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chính sách phát hiện, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Cả xã hội đã dành nhiều công sức cho việc này nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Có nhiều lý do cho những điều không thành công ở đây nhưng có lẽ lý do lớn nhất là các chính sách không phù hợp. Dù xã hội thay đổi và vấn đề đãi ngộ cũng giữ một vị trí quan trọng nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ đó. Những hiền tài không bao giờ lấy chuyện vật chất làm lý do quyết định, lý do cuối cùng để quyết định dấn thân. Họ cần một thái độ trân trọng, một tấm lòng thành thật, một sự tri ngộ, tri kỷ. Những điều tưởng như xưa cũ ấy thực ra vẫn có ý nghĩa trong đời sống đương đại bởi đó là thái độ văn hóa cao nhất đối với hiền tài. Hãy nhìn vào những bài học của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thấy chân lý hết sức giản dị: Phải có những hiền tài mới có thể sử dụng những hiền tài khác hay nói bằng ngôn từ cũ là phải có những tấm lòng liên tài, phải có thiên lương trước tài năng. Điều này cũng gắn với một chân lý đã thành phổ quát phi trí bất hưng.

Tháng Giêng, năm 2015.