Đây là một dấu mốc để nhìn lại, giới thiệu các mô hình chăm lo cho người nghèo, để cùng xúc động bởi những câu chuyện vượt khó vươn lên, và để các "mạnh thường quân" tiếp tục chia sẻ tấm lòng với những người còn nhiều vất vả.
Nhưng không “bó” gọn trong một tháng ấy, mà hàng tuần, hàng ngày, những chương trình, hành động vì người nghèo vẫn liên tục diễn ra. Từ những chương trình tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chữa bệnh miễn phí, vay vốn, xóa nghèo, tạo việc làm…, đến các hành động sẻ chia vì cộng đồng. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã lan tỏa rộng khắp trong đời sống. Nhiều câu chuyện xúc động về lòng nhân ái, về những em nhỏ nhịn ăn quà sáng để dành tiền ủng hộ bạn nghèo, hay những cụ ông, cụ bà góp chút lương hưu ủng hộ người khó hơn mình, những quán cơm nghĩa tình, các lớp học miễn phí… đang diễn ra và tiếp tục nhân rộng xung quanh chúng ta.Có thể nói rằng, 17 năm qua, cuộc vận động ''Vì người nghèo” đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, đến các khu dân cư, hộ gia đình, người lao động… Phối hợp cùng Chính phủ, trở thành nguồn lực giúp đỡ, động viên, khuyến khích để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đỡ nghèo, tạo dựng cuộc sống tốt hơn. Những con số thống kê cũng có thể thấy, thông qua quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, các DN, cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ hơn 49.000 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, góp phần phối hợp hỗ trợ xây dựng 1.482.512 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, hỗ trợ hàng nghìn công trình dân sinh… Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016, hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo.Dù vậy, để có thể đảm bảo tính bền vững của các kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo vẫn là một bài toán không dễ dàng. Nhìn lại chặng đường qua cho thấy, kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, nhiều địa phương, cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Rồi thiên tai, dịch bệnh…, nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói rất dễ diễn ra. Chưa kể đến những “khuất tất” như "kê khai nhầm chỗ", xác định hộ nghèo không chính xác; xác nhận nghèo luân phiên... khiến cho câu chuyện giảm nghèo vẫn luôn thời sự.Trong khi đó, xóa đói giảm nghèo hiện không còn đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để tất cả mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bà con. Cho người dân “cần câu” chứ không phải cho “con cá” là vấn đề liên tục được nhắc đến. “Bên cạnh việc giúp đỡ họ, huy động xã hội “cho không” thì cần để người nghèo tự vươn lên, thoát nghèo bền vững”, cũng là thông điệp đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần phát đi. Tháng cao điểm vì người nghèo năm nay được phát động đúng vào thời điểm người dân một số vùng đang phải đối mặt với những khó khăn sau bão, lũ, cần nhiều hơn những tấm lòng chung tay cùng cộng đồng. “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, từ thông điệp nhân văn ấy, chắc chắn sẽ có nhiều hơn những hành động nhân ái. Dù chỉ là hành động nhỏ như mang đến người nghèo một bữa ăn, một tiếng cười hạnh phúc giúp họ có một ngày được sống vui vẻ hơn, hay những hành động lớn lao giúp mang đến cuộc sống ổn định cho người nghèo, đều đáng trân trọng. Và nhiều người cho rằng, đi ra ngoài những cuộc vận động, những phong trào, các hoạt động giảm nghèo phải tích cực và hiệu quả hơn. Tránh chồng chéo, tránh bị lợi dụng. Hơn hết, cùng với muôn tấm lòng rộng mở hướng về người nghèo, cần tạo động lực để bản thân mỗi người nghèo, hộ nghèo, quyết tâm hợp lực vươn lên.