Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn mất mạng vì bệnh dại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo là việc làm bắt buộc để bảo đảm sức khỏe cho vật nuôi và an toàn cho chính con người.

 Ảnh minh họa
Theo thống kê, đến hết quý I/2018, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Hà Nội là 4.500 con. Tuy nhiên, hàng năm tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng dại vẫn còn thấp, một số địa phương chỉ đạt khoảng 50%. Lý giải về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện nay, người dân vẫn có thói quen thả rông chó mèo. Với chính quyền địa phương, nhiều nơi không làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân chưa thực hiện nghiêm việc quản lý chó nuôi, chưa tự giác khai báo khi nhập đàn cũng như tiêm phòng cho đàn chó, mèo.
Những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn TP đều có người tử vong do chó dại cắn. Cụ thể, năm 2016 và 2017, mỗi năm có 2 người tử vong và nhiều người bị chó dại cắn nhưng đã được tiêm phòng kịp thời nên không thiệt mạng. Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ.
Một thực trạng nữa là người bị chó, mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng dại. Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do bệnh dại gây ra, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, biện pháp quan trọng nhất là chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi. Để làm tốt công tác này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống, từ chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, đến sự ý thức của người dân.

Thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Nội đã có nhiều cố gắng thực hiện các giải pháp để phòng chống và ngăn chặn bệnh dại. Công tác tiêm phòng vaccine dại được triển khai đồng loạt trên khắp các huyện ngoại thành vào tháng 3 - 4 hàng năm và tiêm bổ sung vào các tháng còn lại. Năm 2017 tiêm phòng vaccine dại cho 393.462 lượt con chó, đạt 93,3% tổng đàn.

Thời gian tới, ngành Thú y sẽ tham mưu TP triển khai việc quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại, tập trung tập huấn, thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh dại động vật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, có biện pháp quản lý chó, mèo, cấm thả rông, tiêm phòng triệt để và xử phạt nghiêm vi phạm.