Để không còn những tai nạn thương tâm

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên (chiếm hơn 50%), nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.

Mùa Hè trời nóng nực, mưa nhiều, hồ ao sông suối đầy nước, các cháu lại nghỉ học, cha mẹ và nhà trường không để mắt xuể là một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn đuối nước. Ngay đầu mùa Hè của năm nay, đã có 2 vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại Gia Lai và Nghệ An làm 6 cháu học sinh tử vong.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Nước ta nắng lắm mưa nhiều, gần 3.300km bờ biển, 2.300 con sông và kênh rạch, vì thế tai nạn đuối nước luôn rình rập bất kể ở đâu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tại 4 quốc gia Bangladesh, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, cứ 4 trẻ em tử vong, thì có 1 trẻ bị tử vong do nguyên nhân đuối nước. Con số này cao hơn số trẻ em tử vong do sởi, bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu và lao cộng lại. Theo Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF: “Trong ba thập kỷ qua, các quốc gia đã có những tiến bộ mạnh mẽ không ngừng trong việc giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, không có tiến bộ nào đạt được trong việc giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước”.

Rất tiếc, trong nhiều địa phương hàng đầu hứng chịu lời chê trách đó, có Hà Nội. Vậy nguyên nhân nào đẫn đến tình trạng đó? Trước hết, do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em còn thấp. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị như Hà Nội.

Về kỹ năng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn rất thiếu ngay từ kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Và đây, cũng là nguyên nhân chính lý giải tại sao 50% số tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ em ở nước ta là từ tai nạn này. Bên cạnh nguyên nhân do thiếu nhận thức, thiếu kỹ năng như đã đề cập ở trên thì việc thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đuối nước cao ở trẻ em.

Nhìn từ khía cạnh khác, số lượng các phương tiện qua lại trên biển, sông, hồ, nhất là những ghe, đò… chở các em qua sông đến trường thường chở quá số lượng quy định, lại cũ kỹ, thiếu trang bị các phương tiện cứu hộ, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng dẫn đến những trường hợp đắm thuyền, lật đò xảy ra nhiều cái chết thương tâm. Cuối cùng, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em đã được tiến hành nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương và nhà trường, xã hội chưa quan tâm đúng mức về công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Để hạn chế tai nạn đuối nước, các cấp ủy, chính quyền, nhà trường và gia đình cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tổ chức các lớp học bơi, xây dựng bể bơi xã hội hóa, tổ chức học bơi miễn phí, lấp hố nước, làm rào chắn các nơi nguy hiểm, sân chơi an toàn, hỗ trợ các dụng cụ sơ cấp cứu tại cộng đồng và tại gia đình

Mùa bão lũ năm nay đang đến gần, hy vọng trên cả nước nói chung và địa bàn Hà Nội nói riêng không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm đối với trẻ em.