Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề Lịch sử tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2: Phải chăng thí sinh thi đợt 2 có lợi thế hơn đợt 1?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm HN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc bài thi môn Lịch sử nằm trong tổ hợp môn Khoa học xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 vào sáng 4/9, nhiều ý kiến cho rằng những thí sinh thi đợt 2 có phần lợi thế hơn đợt 1.

Cho đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của “kì thi lịch sử trong một bối cảnh lịch sử” khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT quyết định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/8 (đợt 1), những thí sinh ở các địa phương trong diện phải cách ly sẽ thi đợt 2 vào ngày 3 và 4/9. Ngày 27/8, Bộ GD&ĐT công bố kết quả 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 3 môn thi tổ hợp (KHXH và KHTN) với mặt bằng chung cao hơn các năm trước. 

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Đối với môn Lịch sử, kỳ thi này đã mang nhiều dấu ấn lịch sử, thậm chí nhiều giáo viên sau khi nghiên cứu điểm thi và đề thi đã cho rằng: Năm 2020 là năm “đột phá” của môn Lịch sử về đề thi và điểm thi.

Stt 

Thông tin điểm thi môn Lịch sử năm 2020

Tỉ lệ %, số liệu

1

Điểm đạt trung bình của thí sinh

5.19 (năm 2019 là 4.3; năm 2018 là 3.7)

2

Tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 5.0 trở lên (có hơn 530.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử)

53.1% (năm 2019 là 18%)

3

Số thí sinh đạt điểm 10.0

371 (gấp nhiều lần các năm  2017, 2018 và 2019 gộp lại)

4

Số thí sinh bị điểm dưới 1 

111 (không có thí sinh nào bị điểm 0)

5

Thứ tự các môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm 10.0

Giáo dục công dân (4.163), Hóa học (399), Lịch sử (371), Địa lí (248)

Từ số liệu về điểm thi tốt nghiệp (đợt 1) của môn Lịch sử, nhiều ý kiến băn khoăn và lo lắng cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Liệu đề thi môn Lịch sử giữa hai đợt có tương đương với nhau về độ dễ và khó? Cấu trúc, ma trận đề thi đợt 2 có giống như đợt 1 hay được giảm nhẹ nội dung kiến thức? Phải chăng đề thi của những thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ có lợi thế hơn đợt 1? Đối sánh đề thi môn Lịch sử đợt 2 (thi sáng ngày 4 – 9) với đợt 1 (thi sáng ngày 10 – 8), nhiều chuyên gia, giáo viên phổ thông và học sinh đưa ra bình luận trên các diễn đàn xã hội, khẳng định đề thi giữa hai đợt có độ tương đương về mức độ, nội dung... nhưng thí sinh dự thi đợt 2 có lợi thế hơn. Vậy thực tế về đề thi giữa hai đợt như thế nào?

 PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng

Góp phần vào đối sánh đề thi môn Lịch sử giữa hai đợt, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng – Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những phân tích như sau:

Về cấu trúc: Đề thi của hai đợt được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dạy-học bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19

Câu hỏi tập trung vào nội dung kiến thức của học kì I lớp 12 (31 câu), câu hỏi liên quan đến kiến thức của học kì II lớp 12 là 7 câu và chỉ đánh giá ở mức độ nhận biết, thông hiểu; Chỉ có 2 câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 (một câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản phần lịch sử thế giới có ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam lớp 12; một câu hỏi vận dụng cao phần lịch sử Việt Nam liên quan đến phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX).

Không có câu hỏi thuộc nội dung kiến thức tinh giản (năm 2011 và bổ sung năm 2020), bám sát tài liệu hướng dẫn thực hiện theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ; Tăng số câu hỏi đánh giá ở mức độ nhận biết và thông hiểu so với các năm trước: 32 câu hỏi chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản (80%, tương đương 8.0 điểm).

Như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc dạy - học của giáo viên và học sinh cả nước, Bộ GD&ĐT đã có những định hướng kịp thời, chỉ đạo Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT (cả hai đợt), đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đề thi của hai đợt đều tập trung vào đánh giá kiến thức của học kì I lớp 12, giảm tối đa số câu hỏi liên quan đến kiến thức học kì II và chú trọng vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi.

Về tên gọi và hình thức thể hiện: Đề thi của hai đợt phù hợp với tên gọi kì thi tốt nghiệp THPT và đáp ứng yêu cầu chủ yếu là xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12

Đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12 (38 câu hỏi, chiếm tỉ lệ 95%) nhằm xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh THPT. Đề thi rõ ràng và giảm mạnh độ khó so với đề thi các năm trước, đó là:

Một là, 32 câu hỏi (chiếm 80% điểm số) chỉ đánh giá ở mức độ nhận biết và thông hiểu (8.0 điểm). Học sinh chỉ cần có kiến thức cơ bản là đạt điểm trên trung bình. Trong đó, 20 câu hỏi đầu tiên không có nhiễu, đáp án được diễn đạt bằng những từ ngữ quen thuộc và có sẵn trong sách giáo khoa; những phương án nhiễu là nội dung khác biệt hoàn toàn về lĩnh vực, địa điểm hoặc thời gian. 

Ví dụ, câu hỏi 18 (mã đề 301, đề thi đợt 2): Đến nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX, quốc gia nào sau đây trở thành siêu cường tài chính số một thế giới?

A. Mianma. Nhật Bản. C. Campuchia. D. Brunây.

Thứ hai, giảm mạnh các phương án gây nhiễu ở mức độ thông hiểu và vận dụng: Ở 12 câu hỏi thông hiểu (từ câu số 21 đến 32) chỉ để lại 01 phương án nhiễu nhẹ; từ câu 33 đến 40 cũng giảm nhiễu so với các năm trước.

Ví dụ, câu hỏi 29 (mã đề 311, đề thi đợt 1) kiểm tra sự thông hiểu không có nhiễu: Nội dung nào sau đây là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế Mĩ phát triển mạnh trong giai đoạn 1945 – 1973?

A. Không chạy đy vũ trang với Liên Xô. B. Không phải viện trợ cho đồng minh. 

C. Có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. D. Không phải chi ngân sách cho quốc phòng.

Câu hỏi 21 (mã đề 331, đề thi đợt 2) cùng ô kiến thức theo ma trận (sau khi câu hỏi được đảo vị trí) cùng kiểm tra sự thông hiểu không có nhiễu: Nội dung nào sau đây là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh trong giai đoạn 1952-1973?

A. Lãnh thổ có nhiều tài nguyên khoáng sản. B. Duy trì được hệ thống thuộc địa ở châu Á.

C. Luôn đề cao vai trò của yếu tố con người. D. Đất nước không bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Thứ ba, câu hỏi tập trung vào những kiến thức cốt lõi của chương trình, có tính toàn diện và hệ thống, diễn đạt rõ ràng, không thách đố học sinh; Không có câu hỏi đánh giá việc ghi nhớ vụn vặt, máy móc của học sinh (về thời gian, địa điểm, tên người, diễn biến sự kiện, số liệu…).

Thứ tư, cách thể hiện câu hỏi giữa hai đợt ở các mã đề là tương đương nhau: mỗi mã đề thi đều có 37 câu khẳng định và 03 câu phủ định, hỏi cùng đơn vị kiến thức…

Như vậy, đề thi phù hợp với tên gọi kì thi tốt nghiệp THPT và đáp ứng được yêu cầu chủ yếu là xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Về tính đặc thù của môn học: Đề thi của hai đợt đảm bảo đặc trưng của môn Lịch sử, thể hiện tính toàn diện, có hệ thống và góp phần vào tuyên truyền, giáo dục

Các lĩnh vực đề cập trong đề thi rất toàn diện và hệ thống: Nội dung liên quan đến chủ trương của Đảng, đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, giải phóng dân tộc, xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục, hoạt động yêu nước và đóng góp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh…

Câu hỏi mang tính định hướng, phục vụ tuyên truyền, giáo dục: Năm 2020, Nhân dân Việt Nam tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tổ chức vào đầu năm 2021), dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19…; Năm 2020 cũng là năm kỉ niệm nhiều sự kiện quan trong của dân tộc và thế giới: 100 năm Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam (1920 - 2020); 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 75 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Quốc khánh 2-9; 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai; 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN… Đề thi đã đảm bảo tính đặc thù của môn Lịch sử, đồng thời góp phần vào định hướng giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Về độ khó, phân loại thí sinh: Đề thi của hai đợt đảm bảo sự công bằng, phân loại trình độ thí sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển

Thứ nhất, đề thi giữa hai đợt có sự đồng bộ giữa 40 câu hỏi trong 24 mã đề (cả về kĩ thuật, cách hỏi và cách khai thác ô kiến thức khi kiểm tra thí sinh). Ví dụ, đề thi đợt 1 mã đề 301 (câu 28 hỏi ô kiến thức lịch sử Việt Nam thời kì 1930 - 1945): Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng bối cảnh lịch sử của phong trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam?

A. Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương.

B. Pháp tăng cường khủng bố phong trào yêu nước Việt Nam.

C. Việt Nam chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933.

D. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp gay gắt.

Đề thi đợt 2 mã đề 301 (câu hỏi số 25 cùng ô kiến thức theo ma trận đã đảo vị trí): Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng điều kiện lịch sử của phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam?

A. Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương đấu tranh mới.

B. Lực lượng cách mạng phục hồi và phát triển trên cả nước.

C. Chính phủ Pháp thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa.

D. Phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương.

Thứ hai, tên gọi là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (chủ yếu xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12), nhưng đề thi vẫn đảm bảo việc phân loại trình độ học sinh:

Mỗi mã đề thi có 32 câu hỏi (8.0 điểm) hướng tới đánh giá học sinh ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Học sinnh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là đạt điểm trên trung bình. Bên cạnh đó, mỗi mã đề thi có 08 câu hỏi tương đối khó (chiếm 20%), dù được giảm nhẹ phương án nhiễu, nhưng vẫn có tác dụng phân loại, dành cho học sinh khá, giỏi. Để chọn đáp án và khử phương án nhiễu, các thí sinh cần trải qua từ hai bước thao tác trong tư duy. Những em có kiến thức lịch sử vững chắc, biết tổng hợp, tư duy logic… giữa các kì thi sẽ đạt được điểm cao. Kết quả này là một cơ sở để các trường đại học và cao đẳng tuyển sinh năm học 2020 - 2021.

“Nói một cách khái quát, so với đề thi các năm trước, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được yêu cầu trên mọi phương diện. Đề thi môn Lịch sử của cả hai đợt đã đảm bảo các nguyên tắc về cấu trúc – ma trận; dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình; bám sát hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng và tài liệu tinh giản (năm 2011 và bổ sung năm 2020) của Bộ GD&ĐT; ma trận – cấu trúc đề thi. 

Đối với những học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 (ngày 3 và 4-9), các em sẽ có điều kiện thuận lợi hơn về mặt thời gian (có thêm khoảng 25 ngày) để ôn luyện kiến thức, được tham khảo đề thi đợt 1, lắng nghe thầy/cô giải đề và so sánh đáp án nên đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, để đạt được điểm cao trong mỗi bài thi nói chung, bài thi môn Lịch sử nói riêng đòi hỏi thí sinh phải có một quá trình học tập nghiêm túc, tích cực”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng cho biết thêm.