Để miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng xanh, bền vững

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.

Cần quyết tâm cao hơn nữa

Chiều 17/3, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại diễn đàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”. 

Theo hướng đó, Chính phủ đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ XXI; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Thích ứng toàn cầu. 

Tháng 12/2022, Việt Nam đã cùng các nước G7 và một số đối tác quốc tế công bố Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang triển khai Tuyên bố này.

Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD. 

“Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. 

Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. 

Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.

“Theo hướng này, trong thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết thêm.  

Tuy nhiên để có thể đạt được những kết quả có tính đột phá, bứt phá, theo Phó Thủ tương Trần Lưu Quang, còn rất nhiều việc phải làm. “Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.

Còn nhiều dư địa phát triển

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, miền Trung và Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển. Với những thế mạnh về địa lý, khí hậu, nơi đây lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

“Chúng tôi tin rằng diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối thoại, thảo luận cùng tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, vào quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế bao trùm, bền vững” - Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.

Một góc TP Đà Nẵng.
Một góc TP Đà Nẵng.

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, với 3 trụ cột là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố.

Song song với chuyển đổi số, Đà Nẵng còn quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

“Chủ đề diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2023 lần này tập trung vào  Tăng trưởng xanh và Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững. Chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để các địa phương, trong đó có Đà Nẵng tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế thông qua cơ chế đối thoại cởi mở về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững” – ông Chinh kỳ vọng.