Đề nghị bổ sung quy định chăm sóc sức khỏe người học

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/12, Hiệp hội Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị đưa vào dự thảo Luật những vấn đề về bảo vệ sức khỏe người học.

 Ảnh minh họa
Thông tin về những điểm mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi), TS Nguyễn Đức Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT, cho biết: Chính phủ đã thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa. Dự thảo Luật nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non trong cả nước là 337.488, nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì 107.150 giáo viên mầm non (chiếm 33,8%) chưa đạt chuẩn. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật bổ sung quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định rõ tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Theo GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo T.Ư Đảng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì thế đầu tư cho giáo dục phải chiếm tỷ lệ cao nhất, 20% là chưa đủ. Đồng thời đề nghị trong dự thảo Luật quy định một số ngành liên quan đến sức khỏe con người như bác sĩ thì phải có chương trình đào tạo đặc biệt. Thời gian đào tạo ngành y cũng cần phải nghiên cứu vì ở Mỹ đào tạo bác sĩ đa khoa 11 năm, cộng với điều kiện trước đó phải học xong một chương trình đại học khác.

Liên quan đến sức khỏe con người, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em Nguyễn Đức Mạnh đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quyền của người học được chăm sóc y tế trong thời gian học tập tại trường, lớp. Lý do bởi, giáo dục thể chất và chăm sóc y tế học đường cho học sinh không tách rời giáo dục về kiến thức, kỹ năng cũng như để học sinh phát triển toàn diện, ngăn ngừa các bệnh học đường của học sinh (cận thị, cong vẹo cột sống). Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ được quyền yêu cầu nhà trường thông báo về kết quả tình trạng sức khỏe học đường của con em. Dự thảo Luật cũng cần nêu rõ các điều kiện cụ thể về tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị trường học. Thực tế hiện nay, việc xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp xảy ra tình trạng không đúng các quy chuẩn về xây dựng và trang thiết bị vệ sinh trường lớp do ngành GD&ĐT quy định.

Hội thảo cũng có những góp ý về biên soạn sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa, hội đồng trường, giáo dục thường xuyên, tiếng Anh là ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông… Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, nên tìm ra những tắc nghẽn và cản trở giáo dục phát triển và Luật Giáo dục (sửa đổi) phải giải quyết được nút thắt đó.