Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Nghị quyết không chỉ là trên giấy

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua nhiều nghị quyết thường kỳ và nghị quyết chuyên đề, trong đó có những nội dung tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân.

Đây là bước đầu tiên, cơ sở pháp lý quan trọng để những chính sách, cơ chế mới được thực thi trong cuộc sống, giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong thực hiện phát triển của TP không chỉ cho năm 2023 mà cả các năm tiếp theo.

Quang cảnh phiên họp HĐND TP Hà Nội khóa XVI sáng 8/12. Ảnh Thanh Hải
Quang cảnh phiên họp HĐND TP Hà Nội khóa XVI sáng 8/12. Ảnh Thanh Hải

Dù là những quy định mang tính định kỳ hay những cơ chế, chính sách đặc thù, để được HĐND thông qua, các nghị quyết đều đã có sự chuẩn bị công phu, thảo luận kỹ càng, với sự nhìn nhận nhiều chiều, nhiều khía cạnh và xuất phát từ đời sống thực tiễn. Như lãnh đạo HĐND TP đã nói, các nội dung của kỳ họp đã có sự chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Nói điều đó để thấy rằng, xây dựng nghị quyết không đơn thuần là việc vạch ra những “con số, quy định trên giấy” mà luôn là việc khó. Nhưng như chính những người có trách nhiệm nhận định rằng: Triển khai và thực hiện hiệu quả những chính sách từ nghị quyết đã thông qua ấy lại là việc khó hơn gấp bội phần.

Cái khó ấy không chỉ dừng lại ở những chính sách mới, những quy định mang tính đột phá, cái khó còn ở việc đồng bộ trong thực thi để chính sách phát huy được tối đa tác dụng. Như quy định “chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ nhân, Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội” và “chế độ hỗ trợ đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”…

Có lẽ, không chỉ nhằm hướng tới tiếp tục thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa đặc thù, mà các chính sách hỗ trợ này thực sự rất quý trong thời điểm hiện nay khi đời sống vật chất của phần lớn nghệ sĩ, diễn viên Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn. Với kinh phí đáng kể từ ngân sách TP, các chính sách mới sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Cùng với đó, các nghị quyết liên quan đến phân cấp, phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023 - 2025, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2023... cũng được thông qua. Rõ ràng, những chính sách ấy có tác dụng trực tiếp đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhận được sự đồng tình cao. Hay một số vấn đề quan trọng khác cũng đã được thông qua tại kỳ họp này như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công… và các giải pháp để thúc đẩy phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, văn hóa đã được đưa ra, đều không thể thiếu sự tổ chức thực hiện bài bản từ chính các ngành liên quan, có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị, để tạo ra sự thông suốt trong phân cấp, phân quyền và thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, việc tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong người dân, các đối tượng thụ hưởng chính sách; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cũng được nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều chính sách mới của TP sau khi được HĐND TP thông qua đã phát huy hiệu quả, tạo ra chuyển biến tích cực để chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; khắc phục được những yếu kém, trì trệ, tạo đà cho sự phát triển... Và với những nghị quyết quan trọng vừa được HĐND TP thông qua lần này, cử tri cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong cuộc sống, những người đại biểu HĐND tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ra đời các nghị quyết ấy, góp sức đưa nghị quyết vào cuộc sống.