Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị tăng nhân sự giám sát khâu chấm thi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường tại Hà Giang, nhiều chuyên gia đề nghị tăng cường cán bộ kỹ thuật tham gia giám sát và cử cán bộ đại học (ĐH) chấm thi kỳ thi năm 2019.

 Thí sinh đang được tư vấn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2018. Ảnh: Trần Oanh

Không thể tách thành hai kỳ thi

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: “Học cấp nào thi cấp ấy. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho địa phương, trường thay vì tổ chức kỳ thi cấp quốc gia như hiện nay. Năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đều trên 95% thì không cần tổ chức kỳ thi “2 trong 1””. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu làm như vậy sẽ trở về hai kỳ thi như trước đây, rất tốn kém. Trong khi cách tổ chức thi “2 trong 1” giảm tải cho thí sinh (TS).
“Nếu để từng trường ĐH tự tổ chức thi tuyển sinh cũng không ổn. Bởi giờ đây, ĐH không còn tinh hoa như trước. Trước đây, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có 500 – 1.000 chỉ tiêu, giờ là 6.500. Các trường khác cũng đều tăng chỉ tiêu. Giờ nhiều trường đã công bố mức điểm đảm bảo chất lượng xuống 11 - 12 và sẵn sàng làm mọi cách để vét TS” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ.

Về đề nghị nên chuyển hết số bài thi THPT quốc gia của TS về Bộ GD&ĐT chấm để kiểm soát, tránh tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm cổ điển. Điều quan trọng là cần xử lý nghiêm vi phạm để sang năm các địa phương được giao quyền tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm nghiêm túc và chặt chẽ. Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, “muốn minh bạch thì Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục làm đề thi, các địa phương được giao chủ trì tổ chức nhưng phải tăng trách nhiệm xã hội và giải trình đối với địa phương và xã hội".

Tăng cường đội ngũ giám sát

Bàn về cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân đề nghị, khâu chấm thi phải tăng cường nhân lực thanh tra, trong đó có sự tham gia của trường ĐH để tránh sự cố, lợi dụng kẽ hở gây ra sự việc đáng tiếc như ở Hà Giang. “Trường ĐH nên ưu tiên chọn nhiều giảng viên coi thi, bởi đã quen với công việc này. Khâu chấm thi cũng phải tăng cường sự tham gia của giảng viên các trường ĐH vốn đã rất quen với công việc khảo thí” – PGS Bùi Đức Triệu bày tỏ.

Trong khi đó, PGS Điền cho rằng, chấm thi là khâu quan trọng, Bộ GD&ĐT nên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cứng và giao cho mỗi hội đồng thi của từng tỉnh, TP 2 người để kiểm soát công tác chấm thi. Tuy nhiên, quyền tự chủ trong công tác tổ chức thi vẫn thuộc về các Sở GD&ĐT. Ông Khuyến thì nghiêng về khâu giám sát xã hội bằng cách lắp camera trong các phòng thi, phòng chấm thi. Nếu các địa phương khó khăn về kinh phí mua camera thì có thể thuê. Cùng với đó là giám sát của xã hội bao gồm các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, hội sinh viên, cha mẹ học sinh, đặc biệt là báo chí.