Đề nghị thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Lăng
Kinhtedothi – Bộ VHTTDL đề nghị thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới các hạng mục còn lại khu vực 1 di tích lịch sử đền Lăng (tỉnh Hà Nam) trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận.
Bộ VHTT&DL nhận được Tờ trình số 280/TTr-UBND ngày 12/2/2025 của UBND tỉnh Hà Nam về việc đề nghị thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo các hạng mục còn lại khu vực 1 di tích lịch sử văn hóa đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Di tích đền Lăng. Ảnh: TL
Sau khi xem xét, Bộ VHTT&DL vừa có ý kiến thẩm định. Cụ thể, thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới các hạng mục còn lại khu vực 1 di tích lịch sử đền Lăng, với nội dung cụ thể như sau: đền Hạ (xây dựng mới nhà Tả vu, Hữu vu; nhà Thủ từ; am hóa vàng/sớ); khu vực đền Trung (xây dựng mới cổng); cải tạo hạ tầng kỹ thuật (lát sân, tường rào, bó vỉa, ô cây, kè, cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước...).
Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý, đối với khu vực đền Hạ: điều chỉnh vị trí Tả vu, Hữu vu gần với đền; thu hẹp diện tích lát sân để tăng diện tích cây xanh trong khuôn viên đền. Đối với khu vực đền Trung: hạng mục cổng (Nghi môn) xem xét đề xuất phương án làm Tứ trụ, không làm mái và không gọi tên công trình là “Nghi môn”.
Đối với khu vực đền Thượng: để hạn chế san gạt địa hình, xem xét không làm hạng mục nhà soạn lễ và am hóa vàng/sớ. Về chiếu sáng, sử dụng đèn hắt, đèn pha để chiếu sáng sân, vườn phía trước các công trình.
Bộ VHTT&DL cũng lưu ý, hồ sơ cần bổ sung phương án bảo tồn cây xanh có giá trị tại di tích; ảnh màu tổng thể hiện trạng và các hạng mục công trình.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Bộ VHTT&DL (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.
Bộ VHTT&DL cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ, thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới các hạng mục còn lại khu vực 1 di tích lịch sử đền Lăng trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Đền Lăng còn có tên gọi khác là đền Ninh Thái (Ninh Thái Linh Từ). Đền Lăng thờ Vua Đinh, Vua Lê và tam vị Đại Vương. Theo ngọc phả, truyền thuyết địa phương cùng nội dung khắc trên bài vị thờ tại chính tẩm thì vị vua thứ nhất được thờ ở đây là Vua Đinh Tiên Hoàng có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Liêm Cần là nơi mà Vua Đinh đã lập căn cứ tuyển quân, vừa là nơi huấn luyện quân sĩ. Theo Nhân dân địa phương, vị trí đền thờ hiện nay chính là nơi đóng quân khi xưa của Vua Đinh.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của khu di tích, năm 2018, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch với mục tiêu xây dựng Khu di tích đền Lăng thành địa chỉ du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn tầm quốc gia, gắn với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa địa phương.
Các dự án bảo tồn, tôn tạo đền Lăng; phục dựng đền Trung, đền Thượng; bảo tồn, tôn tạo và phục dựng Mả Dấu nằm trong giai đoạn 1 của quy hoạch, từ năm 2018 - 2020. Giai đoạn 2, từ năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng, phục dựng, tôn tạo các công trình còn lại.

Bộ VHTT&DL yêu cầu kiểm tra việc phá dỡ cổng di tích quốc gia đền Đuổm
Kinhtedothi - Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có Công văn số 226/DSVH-DT gửi Sở VHTT&DL Thái Nguyên yêu cầu kiểm tra, có biện pháp xử lý việc cổng di tích quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương bị phá dỡ.

Công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Công bố quy hoạch tu bổ di tích quốc gia đặc biệt ở Hải Phòng
Kinhtedothi - Ngày 27/3, UBND huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.