Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề Ngữ văn hay, thí sinh được thể hiện quan điểm của mình về sự sống

Q.Tấn - N.Tú - T.Oanh - T.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thí sinh dự kỳ thi THPT tại Hà Nội nhận xét đề thi môn Ngữ văn hay và tạo cho người làm sự hứng khởi, sáng tạo. Tuy nhiên, đề bài dài nên học sinh phải rất tập trung thời mới có thể làm xong.

Sáng nay (9/8), các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn thành môn thi Ngữ văn trong thời gian 120 phút.
Ngữ văn là bài thi được nhiều thí sinh mong chờ và háo hức đón nhận, bởi khi làm bài các em sẽ có cơ hội trình bày suy nghĩ cũng như quan điểm của riêng mình về nội dung trong bài thi nêu ra.
Đề thi Ngữ văn được đánh giá là không khó nhưng dài. Ảnh Ngọc Tú
Nhiều thí sinh tự tin môn Ngữ văn sẽ được từ 7 điểm trở lên
Đề thi Ngữ văn có 2 bài với 2 chủ đề về sự sống thông qua đoạn trích: “Cách sống: Từ bình thường trở nên phi thường” của tác giả Inamori Kazuo và tư tưởng đất nước trong đoạn trích "Đất nước - trường ca Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. 2 bài thi có sự kết nối với nhau, tạo cho người làm sự phấn khởi cũng như tạo nguồn cảm xúc để làm bài.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại các điểm trường thi trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cho thấy: Hơn 9 giờ 30 đã có những thí sinh vui vẻ bước ra khỏi cổng trường thi. Các thí sinh nhận định, đề Ngữ văn hơi dài so với 120 phút nhưng vẫn làm được hết.
Đề thi môn Ngữ văn.
Thí sinh Trần Thị Kim Chi dự thi tại điểm trường THPT Kim Liên nhận xét: Đề thi Ngữ văn năm nay bám sát nội dung được ôn tập trên lớp. Phần làm văn, câu 1 yêu cầu trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày khá thú vị.
"Với câu này, thí sinh có thể sáng tạo, thể hiện suy nghĩ bản thân. So với đề thi năm ngoái, đề Ngữ văn năm nay dễ hơn. Tuy nhiên, đề khá dài vì thế thí sinh cần phải đọc kỹ các câu hỏi để hệ thống kiến thức, tránh lạc đề. Với những câu hỏi đã làm được, em dự tính được 7,5 điểm" - Kim Chi tự tin cho biết.
Tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng nhiều thí sinh cho biết, rất ấn tượng với câu hỏi 4 phần I và câu hỏi 1, 2 phần II. Một số em cho rằng, thông qua đề thi, càng hiểu thêm về việc mỗi giây phút trôi qua trong cuộc đời đều quý giá. Vì thế, rất cần phải trân trọng sự sống để làm được những điều ý nghĩa nhất.
Còn Nguyễn Trà Ly là thí sinh tự do thi tại điểm trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: Đề thi phân loại rõ ràng. Phần I đọc hiểu các câu hỏi không khó. Phần II, câu 2 hơi dài nhưng em đã tập trung làm xong. Em dự tính sẽ được 7 điểm.
Nhiều thí sinh tự tin mình sẽ được từ 7 điểm trở lên. Ảnh Lại Tấn
Tại điểm thi THPT Sóc Sơn, em Tạ Văn Hiếu (THPT Minh Phú) cho biết: Đề thi văn năm nay không quá khó. Những phần trước đó em đều đã ôn tập kỹ. Trong đó, em tự tin nhất với phần văn học nghị luận vì đề thi khá mở, cho phép thí sinh triển khai theo nhiều hướng khác nhau.
Trong khi đó, em Nguyễn Thúy Hoàn (THPT Sóc Sơn) chia sẻ, do tâm lý lo lắng nên ban đầu vào phòng thi em hơi run, tuy nhiên khi bắt đầu làm bài thì em đã lấy lại bình tĩnh và tự tin hơn. Em có nguyện vọng thi vào Đại học Luật, vì vậy môn Văn là môn em khá tự tin, em nghĩ mình có thể đạt 8 điểm cho bài thi này.
Đề bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2
Nhận định về đề thi Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD&ĐT công bố. Đề đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học - câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi.
Đi sâu vào từng câu, cô Thu Tuyết phân tích, phần đọc hiểu, có 3 câu đầu tiên dừng ở mức độ nhận biết. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh.
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi Ngữ văn. Ảnh Phạm Hùng

Phần làm văn (7 điểm), bài nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” - “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.
Đối với bài nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945 - 1975.
Đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.