Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để người dân không còn xả rác bừa bãi trong dịp lễ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào các ngày nghỉ lễ, phố cổ Hà Nội, các trung tâm nghệ thuật biểu diễn, các rạp chiếu phim lại trở thành nơi mở hội.

Bên cạnh những âm điệu vui nhộn, nhiều người lại lo ngại các loại rác thải vương vãi xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ở công viên; Vườn hoa, thảm cỏ xơ xác vì chen chúc, leo trèo, giẫm đạp. Ý thức văn hóa nơi công cộng dường như vẫn là nỗi lo dài.
Ám ảnh về hành động thiếu văn hóa

Mọi người chắc chắn chưa quên sau “Lễ hội Countdown (đếm ngược) - chào mừng năm mới 2018”, dòng người nườm nượp ra về, để lại những phố ngập rác. Giấy, nilon, thức ăn thừa, chai nhựa... tràn ngập các tuyến phố đi bộ, công nhân môi trường phải thức suốt đêm để dọn dẹp. Chị Thanh Mai – nhân viên Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, công ty huy động gấp đôi số công nhân so với ngày thường, nhưng gần 6 tiếng trong đêm vẫn không dọn xuể lượng rác người dân xả ra. Cách 100m đơn vị bố trí 1 thùng rác, nhưng rác chưa đầy thùng, mà túi giấy, nilon, đồ ăn thừa vẫn rơi khắp thềm tòa nhà Bưu điện Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt là gốc cây xà cừ, cây liễu… ở Hồ Gươm.
 Cổ động viên Việt Nam tại Indonesia ở lại nhặt rác trên khán đài sau một trận đấu của đội tuyển bóng đá nam.
Đó không phải sự kiện đầu tiên để xảy ra cảnh Hồ Gươm ngập rác sau khi kết thúc. Vào mỗi dịp lễ lớn (30/4, 1/5, 2/9, Noel, Tết dương lịch, âm lịch), bên cạnh lời tán dương về sự hấp dẫn của sự kiện văn hóa, là nỗi ám ảnh về rác thải không chỉ của công ty vệ sinh môi trường, mà còn của những người yêu Hà Nội.

Như đã thành thói quen, Công viên Thủ Lệ vào những ngày lễ luôn tái diễn cảnh người chen nhau xem thú. Nhiều người bỏ lối đi chính, vượt thảm cỏ, giẫm lên các tiểu cảnh hoa… Nhìn cảnh chen chúc, tắc đường ở những con phố dẫn vào công viên như Bưởi, Cầu Giấy, nhiều người hóm hỉnh: “Cứ đến ngày lễ là mấy con thú lại tha hồ được ngắm người”; “Các cụ cẩn thận không thú nó ngạt thở vì thiếu oxy”... Xem ra, Hà Nội đang cần sự đổi thay rất lớn về ý thức của những người đang sống hoặc đến Thủ đô, để bức tranh TP văn minh luôn được gìn giữ.

Học người nước ngoài

Không phải sự kiện nào ở Hà Nội cũng để lại một bãi chiến trường rác. Năm 2014, Lễ hội âm nhạc Gió mùa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội với hàng chục nghìn người tham dự. Theo nhận xét của ca sĩ Thanh Lam: “Lâu lắm mới lại có một sự kiện giải trí tại Việt Nam để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong mọi người như vậy”. Lễ hội không chỉ thay đổi đời sống âm nhạc, mà còn thay đổi nhận thức của khán giả.

"Hà Nội đang nỗ lực chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” văn hóa nơi công cộng bằng cách ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, đều dễ nhận thấy nhất trong công tác triển khai là thiếu vắng chế tài xử phạt dành cho những hành vi phản văn hóa nơi công cộng, điều vốn được áp dụng rất nghiêm khắc tại nhiều nước trên thế giới như: Singapore, Nhật Bản, Anh, Mỹ… Ở nước ta, Quy tắc ứng xử không đi kèm với điều khoản xử phạt, khiến không ít người dân chưa thực sự coi trọng việc chấp hành quy tắc." - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức

Trong suốt 3 ngày diễn ra chương trình, dù luôn cuồng nhiệt với âm nhạc, nhưng ai nấy cũng đều có ý thức. Họ đi xem festival không chen lấn xô đẩy, không vứt rác bừa bãi, hết chương trình từ các diva như Trần Thu Hà, Hồng Nhung, Thanh Lam… đến các ca sĩ quốc tế cầm túi nilon phát cho khán giả và cùng nhau nhặt rác. 3 năm sau, Lễ hội âm nhạc Gió mùa tiếp tục được duy trì ở khu di sản này vẫn với hình ảnh văn minh như thế.

Nhạc sĩ Quốc Trung – Tổng đạo diễn Lễ hội Gió mùa qua các năm chia sẻ: “Khi tham gia những festival âm nhạc quốc tế cách đây hơn chục năm, tôi đã luôn ao ước sẽ được mang âm nhạc của mình đến với thế giới, cũng như mong ước sẽ mang một festival âm nhạc như vậy về Việt Nam. Với tôi, điều khó nhất là làm sao để miêu tả được một lễ hội âm nhạc đích thực dành cho cộng đồng, và quan trọng nhất là tạo ra không gian hạnh phúc với tất cả khán giả và sự lan tỏa của nó. Ban tổ chức đã cố gắng để truyền tải ước vọng đó đến khán giả”. Quốc Trung đã đưa những nét văn minh cả trong âm nhạc lẫn cách thưởng thức của phương Tây về Hà Nội.
 Diva Trần Thu Hà cùng khán giả ở lại nhặt rác khi Lễ hội âm nhạc Gió mùa kết thúc.
Rồi chẳng nói đâu xa, ngay trong trận bán kết ASIAD 2018 giữa Olympic Việt Nam và Hàn Quốc tại Indonesia chiều 29/8 vừa qua, sau khi Olympic Việt Nam thua trận, các cổ động viên dù nhiều nuối tiếc, vẫn cúi xuống nhặt sạch rác trên khán đài trước khi rời sân vận động ra về. Quả thật, hành động tuy nhỏ đó đã để lại thiện cảm và sự trân trọng trong lòng bạn bè quốc tế. Bởi bản thân các cổ động viên Việt Nam đã ý thức được rằng: “Muốn bạn bè quốc tế ghi nhận những điều tốt đẹp nhất về con người Việt Nam, cả dưới sân cỏ và trên khán đài”.

Lễ hội Gió mùa, đến hành động đẹp của người Việt Nam ở Indonesia là điển hình về ý thức văn hóa cần nhân rộng. Ở những nơi diễn ra sự kiện văn hóa đông người ở Hà Nội hầu như chưa làm được điều tưởng đơn giản như vậy, dù ý thức đã được nhen nhóm.

"Hàng ngày, đi ra đường chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, bánh mì, ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, ném rác qua cửa kính xe buýt. Trong lớp học, sân trường, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang... Vứt rác bừa bãi gần như đã thành vô thức ở mọi người, kể cả người lớn. Muốn dọn sạch rác đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên phải dọn “rác” trong ý thức mọi người. Ý thức là điều rất khó thay đổi trong một sớm một chiều nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Chính vì lẽ đó, nhà trường và cha mẹ hãy giáo dục trẻ nhỏ ý thức bảo vệ môi trường." -Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình


"Nhìn từ phương diện quản lý và tổ chức sự kiện, chúng ta sẽ thấy nhà quản lý khi cấp phép, chủ yếu mới yêu cầu bên tổ chức sự kiện cam kết thực hiện đúng về nội dung, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, mà bỏ qua một số ràng buộc cần thiết khác như Giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan văn hóa công cộng… Ngược lại, dù không phải là tất cả, nhưng rõ ràng, có những nhà tổ chức sự kiện chỉ chú trọng đến lợi ích của mình, chưa quan tâm nhiều đến giá trị văn hóa cộng đồng. Nên muốn thay đổi thói quen xả rác bừa bãi trong mỗi sự kiện văn hóa thì một phần trách nhiệm sẽ thuộc cả về nhà quản lý và đơn vị tổ chức sự kiện." - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh PGS.TS Nguyễn Thị Hương