Những hình ảnh từ “cuộc tản cư” chưa có tiền lệ ấy cũng đặt ra nhiều vấn đề trong cả công tác tổ chức, quản lý cũng như nguồn nhân lực hậu Covid-19.
Sau hơn 4 tháng bị “mắc kẹt”, mất việc làm, không còn khả năng chi trả các khoản sinh hoạt phí hoặc vì một số lý do bất khả kháng, những người lao động ngoại tỉnh đã không thể tiếp tục bám trụ lại nơi làm việc. Họ quyết định trở về quê nhà, dù chặng đường không hề ngắn. Những hình ảnh hai, ba người chở nhau trên những chiếc xe máy vượt đường xa, trong đó có không ít trẻ em… khiến không ít người cảm thấy xót xa.
Và trong hoạn nạn mới thấm thía nghĩa đồng bào, trên các chặng quốc lộ mà dòng người di cư đi qua, rất nhiều cá nhân và tổ chức đứng đón để tặng tiền ủng hộ, trao quà động viên, phát cơm từ thiện, đổ xăng miễn phí, sửa xe… để chia sẻ những nỗi nhọc nhằn. Nhiều địa phương còn tổ chức các đoàn xe để hỗ trợ người dân thiếu phương tiện đi qua địa bàn và có các phương án để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông…Xét về tình, nguyện vọng trở về quê sau khoảng thời gian khá dài đối diện với dịch bệnh và nỗi lo kinh tế là mong mỏi chính đáng của người dân. Do đó, các địa phương đều đang tạo điều kiện giúp công dân của mình trở về quê hương an toàn. Tại các tỉnh, thành, các phương án nhanh chóng được triển khai. Nhiều nơi còn quyết định thành lập ban tổ chức tiếp nhận công dân ngoài tỉnh về địa phương; các khu cách ly tập trung được thiết lập.
Các chốt kiểm soát ra vào địa bàn làm việc hết công suất; thực hiện xét nghiệm nhanh và phân loại các trường hợp; tổ chức phối hợp thực hiện đưa người về các khu cách ly đảm bảo an toàn, đúng quy định. Các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng khu thu dung điều trị nếu có các trường hợp F0 được ghi nhận…Nhưng khi xét về lý, từ cảnh dòng người ồ ạt tự phát trở về quê cũng đặt ra các vấn đề về sự điều hành, hỗ trợ để tránh việc vô tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chéo tại điểm ùn ứ ở cửa ngõ giữa các tỉnh, TP cũng như trong khu cách ly tập trung. Bởi thế, rất cần sự phối hợp giữa các địa phương, tính toán kỹ, đánh giá hết khả năng có thể xảy ra, lên phương án, kịch bản ứng phó phù hợp. Chỉ một thời gian ngắn, một lượng lớn công dân trở về có thể tạo áp lực rất lớn lên công tác phòng, chống dịch của mỗi tỉnh, TP, đòi hỏi phải có chỉ đạo, hướng dẫn chung của ngành chức năng, để ứng phó linh hoạt với thực tiễn. Chặt chẽ trong phòng dịch nhưng không cứng nhắc và mỗi nơi, mỗi kiểu.Hơn thế nữa, trước số lượng dòng người “tản cư” chưa từng có tiền lệ này, một vấn đề cũng được đặt ra liên quan nguồn nhân lực. Hiện nhiều chính sách "hậu giãn cách" đã được thực thi, nhằm mục đích giữ chân đội ngũ công nhân cho các DN; những biện pháp thích ứng an toàn đã được triển khai, giúp mọi người yên tâm làm ăn, sản xuất nhưng dường như vẫn chưa đủ trước khó khăn từ thực tiễn.
DN lo thiếu lao động, lao động lại ồ ạt chạy về quê vì cạn kiệt nguồn lực. Có lẽ, cần có thêm những cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh nơi vùng dịch, để họ ổn định cuộc sống lâu dài ở nơi mình làm việc. Thích nghi lâu dài với dịch không gì khác là phải duy trì công ăn việc làm bền vững hơn. Và như có ý kiến đã đặt ra, cũng đã đến lúc phải xác định mục tiêu “ly nông không ly hương” cho nguồn nhân lực tương lai.