KTĐT - Theo báo cáo mới đây của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, thành phố có 93 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Trong đó, số doanh nghiệp các bộ, ngành Trung ương quản lý là 71 đơn vị, số doanh nghiệp Hà Nội quản lý là 22 đơn vị. Từ năm 2007 đến nay, các doanh nghiệp này đã đưa gần 13.000 người đi XKLĐ, đây là con số thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Vấn đề đầu tiên được đặt ra là các nhà chuyên môn cho rằng, hiện Hà Nội vẫn còn 60% lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Bởi thế thiếu nguồn lao động chất lượng cao, có ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp còn nhiều bất cập, cũng là một rào cản lớn khiến cho nguồn nhân lực của Hà Nội vẫn chưa xứng tầm. Cùng với đó tâm lý kén việc làm và kén chọn mức thu nhập cũng là nguyên nhân người dân ở Hà Nội không mặn mà với XKLĐ. Ở khu vực nội thành, đa số chỉ muốn đến những thị trường có mức thu nhập cao, công việc nhàn hạ. Ở vùng ven đô, người lao động an phận bằng cách sử dụng số tiền được đền bù khi giải phóng mặt bằng, buôn bán nhì nhằng đủ đảm bảo cuộc sống. Ở khu vực nông thôn, nhiều người cho rằng, nông dân Hà Nội dễ kiếm việc trong nội thành hơn các vùng khác. Hơn nữa, khoản đầu tư cho XKLĐ không an toàn. Người dân phải tốn khá nhiều chi phí, nhưng nhiều vụ lừa đảo XKLĐ khiến họ lựa chọn giải pháp an toàn hơn đó là lao động nội địa. Bởi vậy, mỗi khi có đơn hàng, các doanh nghiệp XKLĐ của Hà Nội lại chạy đôn, chạy đáo đi tìm nguồn lao động ở các tỉnh khác.
Trong đề án phát triển thị trường lao động Hà Nội đến năm 2015, XKLĐ vẫn được đặt ra như một giải pháp chính. Thành phố đã triển khai gắn trách nhiệm của chính quyền xã, phường với công tác XKLĐ. Chuẩn bị nguồn đáp ứng XKLĐ sang các thị trường mới, đồng thời rút ngắn thời gian làm thủ tục đi XKLD. Nhưng làm sao để người Hà Nội mặn mà hơn với việc đi làm việc ở nước ngoài vẫn là một vấn đề.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp XKLĐ, Thành phố đã quan tâm mở rộng địa bàn XKLĐ, tuyên truyền tới người dân về chương trình XKLĐ. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội đã thành lập bộ phận giới thiệu việc làm và đào tạo lao động xuất khẩu. Nhà trường đã nâng cấp, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu, với năng lực đào tạo 100 người/tháng. Nhà trường đã đào tạo hàng nghìn lao động để cung cấp cho các công ty xuất khẩu lao động. Học sinh đăng ký đi làm việc ở nước ngoài ngay sau khi hoàn thành đào tạo, doanh nghiệp XKLĐ chỉ cần hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng và bồi dưỡng tay nghề trước khi đi. Đây là một hướng đi để tạo nguồn lao động xuất khẩu có chất lượng trên địa bàn mà ngành lao động đang triển khai mở rộng. Nhưng để có bước đột phá, phải có những quyết sách đưa XKLĐ trở thành một hướng đi cơ bản góp phần làm giảm áp lực việc làm hiện nay.
Những người làm công tác xuất khẩu lao động việc làm thì cho rằng, Thành phố nên xây dựng nhiều Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu hơn nữa, như vậy sẽ đảm bảo cung cấp được mọi đơn hàng cho các doanh nghiệp XKLĐ. Đồng thời, tăng cường chính sách cho vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí cho đào tạo ngoại ngữ, tay nghề, để mọi người có thể tham gia XKLĐ. Hà Nội cũng cần chuyên nghiệp hoá các doanh nghiệp XKLĐ địa phương và đưa thông tin về các cơ hội việc làm đến lao động nông thôn, đặc biệt là những vùng mất đất. Bởi nhiều người cho rằng, không phải thiếu người, hay người lao động không mặn mà với XKLĐ, mà là chưa có chính sách nhằm tạo ra cơ hội cho lực lượng lao động nông thôn tiếp cận thông tin.
Ông Đào Công Hải, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Tổng số lao động đưa đi từ đầu năm tới nay là 37.068 người, đạt gần 50% kế hoạch năm. Trong đó, Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều nhất với 12.939 người. Các thị trường khác cũng ổn định về số lượng: UAE 4.416 người, |