Để những cánh đồng không khói rơm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, nông dân Sóc Sơn đang tích cực triển khai mô hình thu gom rơm rạ ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Việc này đang từng bước tạo ra những cánh đồng không khói, vừa mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Biến rơm rạ thành “vàng”
Thời điểm hiện tại, nông dân các xã trên địa bàn huyên Sóc Sơn cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Mùa và triển khai vụ Đông. Những năm trước, rơm rạ thường được đốt ngoài đồng, khói rơm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân mà còn hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông. Giờ đây, rơm rạ đã được sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân và những cánh đồng không khói đang được hình thành.
 Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn ủ rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng
Bà Nguyễn Thị Tân ở thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân huyện Sóc Sơn) cho biết, với 1 mẫu ruộng trồng lúa vụ Mùa, gia đình đã thu khoảng 5 tấn rơm, ủ được hơn 35 tạ phân hữu cơ. Việc này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo bà Trần Thị Yến (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), nhờ lượng phân bón hữu cơ ủ từ rơm rạ, gia đình đã giảm đáng kể chi phí mua phân hóa học. Hiện nay hầu hết nông dân ở địa phương đã tận dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Dân Ngô Thị Thủy cho biết, vụ Mùa vừa qua, trên địa bàn xã gieo trồng khoảng 300 ha lúa, nông dân đã thu được 30 tấn rơm rạ, ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng vụ đông. Tính toán sơ bộ, các hộ dân sẽ tiết kiệm được khoảng 60% chi phí phân bón cho cây trồng.
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, cuối tháng 8/2021, huyện ban hành kế hoạch về việc phối hợp thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, tổ chức triển khai đến 25 xã trên địa bàn. Ngoài hướng dẫn quy trình xử lý rơm rạ đến hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn còn vận động hơn 20.000 hội viên nông dân trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch tại cánh đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Sóc Sơn đã hỗ trợ men vi sinh xử lý rơm rạ hơn 750 ha diện tích trồng lúa trên toàn huyện. Và đến nay, nông dân 25 xã trên địa bàn đã ủ được 1.000 tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, khi vào vụ thu hoạch việc đốt rơm rạ trên các cánh đồng của huyện Sóc Sơn đã giảm đáng kể so với trước đây.
Để có nhiều cánh đồng không khói
Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi cản trở giao thông mà còn lãng phí nguồn tài nguyên cho sản xuất. Do đó, việc tìm các giải pháp xử lý rơm rạ hợp lý là yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp và các địa phương.
“Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình xử lý rơm rạ còn hạn chế vì nhiều lý do như yếu tố mùa vụ gấp gáp, địa điểm ủ rơm rạ không thuận tiện… Sau mỗi vụ thu hoạch, lượng rơm rạ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít…”- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết thêm.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Sơn Nguyễn Thị Hợp, việc thu gom rơm rạ ủ thành phân hữu cơ mới được 30%, còn lại các hộ nông dân vẫn đốt trên cánh đồng. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ủ rơm rạ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng; đồng thời, kiến nghị các giải pháp tiếp tục hỗ trợ chế phẩm sinh học cho nông  dân .
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Minh cho biết, thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các xã, thị trấn, hội đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn nông dân cách xử lý để mang lại hiệu quả cao nhất… Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đóng vai trò quan trọng trong triển khai hoạt động này. Thời gian tới, Sóc Sơn sẽ thúc đẩy các giải pháp nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ để có thêm nhiều cánh đồng không khói.  
Mỗi năm trên địa bàn Hà Nội phát sinh hơn 1 triệu tấn rơm rạ. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp, trong đó có rơm rạ là hướng đi đúng, góp phần bảo đảm nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về tác dụng của việc dùng chế phẩm sinh học vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường sống...
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần