Đồng thời với đó, Chính phủ cũng đề xuất sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá. Nhưng để niềm vui về lương được trọn vẹn, vẫn cần thêm giải pháp để khắc phục được tình trạng “tăng giá theo lương”.
Theo thông tin liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương được gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024. Cụ thể gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Và Chính phủ cũng đề xuất, sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực DN như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XII) ban hành năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ (ngày 30/9), Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được T.Ư thông qua. Theo thông tin phiên họp, trong bối cảnh khó khăn, ngân sách vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025, 2026 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Với đề án cải cách chế độ tiền lương lần này, việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Đây chắc chắn là những thông tin vô cùng ý nghĩa cho những người làm công, ăn lương trong hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay, trước tình trạng lương cơ bản dù vừa tăng sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch, nhưng vẫn rất hạn hẹp.
Thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư. Lương đủ sống và theo đúng vị trí việc làm sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.
Tuy nhiên, trong quá khứ, việc tăng lương nhiều lần đã mang lại kết quả trái ngược, khi lương chưa tăng, giá đã tăng vượt mức tăng của lương. Hay nói cách khác, lương luôn “chạy” theo giá. Bởi thế để cho niềm vui về lương được trọn vẹn hơn và cũng là để đạt được hiệu quả của việc cải cách tiền lương, điều nhiều người quan tâm nữa chính là những giải pháp để khắc phục tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân chạy trước”.
Cùng với cải cách chế độ tiền lương, tăng lương theo định kỳ, vẫn cần những giải pháp thật sự căn cơ để kiềm chế lạm phát, kìm giá, ổn định giá cả, tránh để người lao động lại rơi vào thế khó. Khi đó có lẽ việc cải cách chế độ tiền lương không thể đạt được hiệu quả trọn vẹn với người lao động. Bởi suy cho cùng, điều những người làm trong khu vực công quan tâm ngoài việc trả lương theo đúng vị trí việc làm đúng với trách nhiệm, chức trách, còn là việc mức lương đó bảo đảm cuộc sống, để họ yên tâm cống hiến.