Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề phòng bệnh xương khớp trong mùa lạnh

Bài, ảnh: Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Phụ trách khoa Nội Thận - Khớp A8, Bệnh viện 198, thời tiết lạnh, ẩm vào mùa Đông là nguyên nhân khiến bệnh viêm xương khớp chuyển biến xấu, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng vọt. Bảo vệ khớp đúng cách sẽ giúp bệnh nhân bớt khổ sở trong những ngày giá rét này.

Dễ tái phát khi trời rét

Cứ mỗi khi thời tiết chuyển lạnh hoặc vào thời điểm giao mùa, số lượng bệnh nhân mắc bệnh các vấn đề liên quan tới khớp phải nhập viện điều trị nội trú lại tăng gấp đôi so với ngày thường. 25 giường bệnh tại khoa Nội Thận - Khớp đều được sử dụng hết công suất phục vụ người bệnh. Đa số các bệnh nhân ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên, nhập viện trong tình trạng các khớp đau nhức, khó cử động hoặc không thể cử động.
 Bác sĩ tại khoa Nội Thận - Khớp, Bệnh viện 198 kiểm tra vùng lưng cho bệnh nhân.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bệnh nhân Nguyễn Thị Chuyên (82 tuổi, trú tại đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, bà bị chứng viêm đa khớp hành hạ đã lâu, định kỳ mỗi tháng tới bệnh viện tái khám một lần. Ấy vậy mà đến khi tiết trời trở lạnh, bà vẫn bị đau không thể cử động được, phải đến khám lần thứ hai trong tháng. Còn bệnh nhân Hà Văn Chế (60 tuổi, trú tại đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) thì mắc bệnh gout, các khớp bàn tay và bàn chân của ông đã biến dạng, sưng to. Ông bảo, vào những ngày lạnh, ông không thể làm việc, thậm chí chỉ một cử động nhỏ thôi cũng khiến cho cơn đau buốt hành hạ suốt nhiều giờ đồng hồ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, bệnh khớp rất thường gặp với nhiều thể bệnh khác nhau như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… Trong số đó, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có số lượng đến khám và điều trị nhiều nhất. Bệnh gây biến dạng khớp, làm ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt, kỹ năng của bệnh nhân trong đời sống hàng ngày. Khi gặp lạnh, mạch máu co lại, lưu thông máu đến các khớp kém, các cơ co giãn hạn chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị đau, khó cử động. Nhiều bệnh nhân xuất hiện tình trạng sưng viêm nặng, biến dạng khớp, khớp có dấu hiệu cong vẹo hoặc lệch trục khiến bác sĩ phải sử dụng nhiều biện pháp làm giảm cơn đau, giãn cơ để giúp bệnh nhân hoạt động dễ dàng hơn. Song, các bệnh nhân trung niên thường mắc thêm từ một đến hai bệnh lý khác kết hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… nên bệnh tình sẽ phức tạp, khó điều trị hơn rất nhiều. Nếu bệnh nhân thức dậy quá sớm để tập thể dục khi trời lạnh, không tốt cho bệnh xương khớp, đặc biệt các bệnh nhân có bệnh lý kết hợp rất dễ bị đột quỵ.

Giữ ấm là ưu tiên hàng đầu

Để tránh tình trạng gia tăng các bệnh nhân khớp phải điều trị nội trú khi trời trở lạnh, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo, các bệnh nhân phải ưu tiên giữ ấm cho khớp bằng cách mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì một chiếc áo dày, đeo găng tay và mang tất, dán các miếng giữ ấm lên các khớp; sử dụng chế độ ăn uống đủ chất, tránh các chất béo, uống nước ấm, tránh ăn lạnh. Bên cạnh đó, cần lưu ý hạn chế vận động ngoài trời giá rét, lắng nghe cơ thể, tập luyện theo sức của mình. “Không nhất thiết phải ra ngoài trời tập luyện thì mới có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Có rất nhiều cách để bệnh nhân tập luyện giúp cho xương khớp hoạt động linh hoạt, giữ ấm cơ thể mà không phải vận động ngoài trời lạnh như các bài dưỡng sinh, thái cực quyền hay bài tập yoga” - bác sĩ Trang nói.

Bác sĩ Trang cảnh báo, hiện nay trên thị trường tràn ngập các sản phẩm hỗ trợ, thuốc điều trị xương khớp. Bệnh nhân không nên nghe theo lời quảng cáo hoặc những lời truyền miệng, tự ý mua thuốc về chữa bệnh không theo chỉ dẫn, hoặc mua thêm thuốc khác với thuốc được kê đơn. Bởi thuốc chỉ có hiệu quả khi được sử dụng phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Bên cạnh đó, trong trường hợp người bệnh mắc căn bệnh kép, tự ý sử dụng thuốc khác sẽ làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Đối với những trường hợp phát hiện bệnh khớp trong giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể sử dụng kết hợp Đông - Tây y để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh khớp là một căn bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời, vì vậy người mắc bệnh cần có sự kiên nhẫn, bất cứ phương pháp điều trị nào cũng nên có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, người có chuyên môn để có hiệu quả điều trị tốt nhất.