Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Không gây áp lực cho học sinh

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố đề thi tham khảo 7 môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 gồm: Toán học, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Phản ứng của đa số giáo viên, học sinh (HS) sau khi đọc và làm đề đều cho rằng, cấu trúc đề tham khảo các môn chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12.

Các dạng đề quen thuộc, bám sát chương trình SGK
Thầy Đặng Thanh Bình - Hiệu trưởng trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: Qua đọc và tham khảo ý kiến của các giáo viên bộ môn, nhìn chung các thầy cô cho rằng cấu trúc đề tham khảo 2021 phù hợp, bám sát chương trình, không quá khó, HS khá dễ dàng đạt điểm cao nên không gây áp lực. Với môn Toán, HS có kiến thức cơ bản đạt điểm 7, điểm 8 không quá khó khăn. Với môn Ngữ văn, đề yêu cầu cao hơn năm 2020, tương đương các năm trước đó, tuy nhiên cũng không quá thách thức HS. Vì vậy, HS cần có kế hoạch ôn luyện hợp lý, bám sát chương trình SGK, chăm chỉ, chịu khó để có điểm thi đạt yêu cầu.
 Đề thi tham khảo hợp lý nên tạo nhiều cơ hội cho học sinh đạt điểm tốt. ảnh: Điệp Quyên
Nhận xét về đề tham khảo môn Toán, thầy Nguyễn Văn Khiêm - giáo viên môn Toán trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu: Nội dung các câu hỏi của đề thi chủ yếu đề cập đến các kiến thức của lớp 12, chỉ 3 - 4 câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11. Đề thi chia ra nhiều mức độ, từ câu 1 - 35 là các câu hỏi ở mức độ dễ (nhận biết, thông hiểu); HS chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK là có thể làm tốt. Các câu hỏi này nhằm đảm bảo cho HS có thể đạt được điểm xét tốt nghiệp. Từ câu 36 - 45, mức độ khó nâng dần lên nhưng cũng chỉ ở mức độ vận dụng thấp (trừ câu 40, 44 có thể gây khó khăn cho HS trung bình và khá). Các câu hỏi này nhằm phân loại HS từ mức điểm 7 đến điểm 9. Từ câu 46 - 50 ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi HS phải biết vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học để tính toán. Các câu hỏi này nhằm phân loại HS từ điểm 9 đến điểm 10. Nhìn chung đề thi phù hợp với xét tốt nghiệp, có sự phân loại cho xét tuyển đại học. Tuy nhiên, mức độ phân hóa không rõ lắm vì dải phân hóa ngắn (2 điểm).

Cô Nguyễn Thị Hiên - giáo viên môn Sinh học, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết: Ở 20 câu đầu kiến thức cơ bản và dễ, HS chỉ cần đọc và nhớ lại những kiến thức cơ bản trong SGK là chọn đúng, làm rất nhanh nên những HS ôn thi tốt nghiệp qua điểm 5 là dễ. Phần bài tập tập trung trong khoảng 10 câu cuối nên chỉ cần ôn kỹ lý thuyết trong SGK là có thể đạt được từ 7 - 8 điểm. Đề tham khảo giúp HS định hướng được nội dung kiến thức các phần và mức độ để đạt mục tiêu điểm khi làm bài. Phần câu hỏi vận dụng cao vẫn thuộc các dạng quen thuộc đã học và thi nên HS cần cẩn thận đọc kỹ đề là ổn.

Đề thi khối xã hội hơi khó và dài

Nêu ý kiến về đề tham khảo môn Ngữ văn, em Mai Tường Vi - lớp 12A1, trường THPT Phương Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Đề minh hoạ môn Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 có độ phân hóa trung bình. Đối với HS nắm chắc kiến thức cơ bản thì đề này phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội có thể dễ dàng vượt qua. Riêng phần Nghị luận văn học bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài khó và dài; trong thời gian 120 phút khó có thể hoàn thành. Đối với những bạn lười học, thiếu kỹ năng làm bài cơ bản thì phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội khá khó nhằn, còn phần Nghị luận văn học thì rất khó. Đối với HS có sức học tốt thì có nhiều khả năng sẽ đạt điểm 7+ ở môn này.

Còn em Lê Ngọc Yến Nhi - lớp 12D1, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội bày tỏ: Trong 7 đề tham khảo, em ấn tượng với đề thi môn Địa lý. Phần lý thuyết của đề thi Địa lý khá dài. Còn lại, các câu có sử dụng Atlat và bài tập thì không khó để giải quyết bởi kỹ năng đọc, vẽ biểu đồ, xem Atlat của môn Địa lý thì hầu như trường nào cũng đã được học từ cấp II.

Theo nhận xét của em Phan Hà Chi - lớp 12A12, trường THPT Kim Liên, Hà Nội thì môn Lịch sử và Địa lý tuy khá dài (4 trang) nhưng nội dung đề bám sát chương trình SGK; phân loại các câu từ nhận biết đến vận dụng cao rõ ràng. HS chăm chỉ học thuộc và nắm chắc kỹ năng không khó để đạt điểm 8 hoặc 9. Với môn Ngữ văn, cấu trúc đề vẫn như mọi năm gồm hai phần: Đọc hiểu và làm văn. Đề văn minh họa bám sát vấn đề trong đời sống, đó là tình hình bão lũ miền Trung.

Được biết, ngay trong sáng 1/4, các thầy cô bộ môn trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội đã cho HS khối 12 làm hầu hết các đề thi thuộc đề tham khảo. Thầy Nguyễn Việt Hà - giáo viên nhà trường nhận xét: Những năm gần đây, duy nhất có năm 2018 đề chính thức khó hơn đề tham khảo, còn lại đề tham khảo thường rất sát đề thi chính thức; HS đạt điểm thấp hẳn và điểm cao hẳn đều không quá nhiều. Đề thi hợp lý nên tạo nhiều cơ hội cho HS đạt điểm tốt. Kiến thức đề môn nào cũng chủ yếu ở lớp 12, một số bài ở chương trình lớp 11 nhưng đều thuộc dạng cơ bản, không làm khó HS.