Diện mạo của TP ngàn năm văn hiến tiếp tục hiện diện trên những cuốn tạp văn của các cây bút hôm nay, với nhiều góc cạnh của đời sống đô thị.
Đông đảo cây bút viết về Hà NộiCó lẽ, chưa bao giờ Hà Nội lại trở thành đề tài cho nhiều cây bút viết tạp văn, tản văn như mấy năm trở lại đây. Từ những nhà văn tên tuổi đến những cây bút mới xuất hiện với nhiều tác phẩm như: “Con giai phố cổ” của Nguyễn Việt Hà; “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến; “Hà Nội thì không có tuyết” của Đỗ Phấn; “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Mỗi góc phố một người đang sống”, “Còn ai hát về Hà Nội” của Nguyễn Trương Quý; “Hoa thở” của Nguyễn Văn Học; “Thương thế ngày xưa” của Lê Minh Hà; “ở Hà Nội” của YuKi; “Yêu Hà Nội thích Sài Gòn” của Hồng Phúc; “Hà Nội một thời tuổi trẻ” của Trần Văn Thụ… Mỗi tác giả một giọng điệu. Có người chuyên viết về món ăn, thú chơi, với chất văn khảo cứu sâu sắc, có số liệu cụ thể, thậm chí như viết biên niên về Hà thành. Có gương mặt xuất bản đến cả chục đầu sách về TP mình yêu, nhưng cũng có người chỉ rẽ ngang với một cuốn duy nhất.
|
Nhiều tạp văn, tản văn về Hà Nội được xuất bản trong những năm qua. |
Ngoài ra, còn nhiều tuyển tập khác được các đơn vị xuất bản chọn lọc từ các bài tạp văn, tạp bút đăng trên các ấn phẩm báo chí. Điều đó cho thấy tạp bút về Hà Nội đang trở thành đề tài thời thượng, như lời nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ. Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, Hà Nội là đề tài vô tận mà bản thân ông khai thác mãi không hết. Bởi giờ đây Thủ đô có nhiều điều đã thay đổi khiến cách ứng xử của con người với nhau cũng khác. Vậy nên, hơn 20 cuốn sách của ông về Hà Nội thì có nhiều tạp văn, ông viết về một thời còn trong veo, với nếp ăn, nếp ở cùng cách đối nhân xử thế... mà giờ đây ông thấy xót xa vì đổi thay.
Giá trị bền vững của Thủ đô cần được khắc sâu, làm giàu thêm trong bối cảnh rất nhiều lối ứng xử đẹp của TP đã mất đi. Sự lấn át của các loại hình giải trí, sự nhạt phai trong mối quan hệ xã hội và bản sắc của mảnh đất văn hiến rất cần những tiếng nói, sự đóng góp của các cây bút. Trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Nguyễn Trương Quý trải lòng: “Hà Nội bây giờ đang xây dựng một hiện trạng mới, tôi nghĩ là đang có rất nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn, xung đột, nhưng có lẽ sự phát triển nóng ấy đang là một cách tổ chức, sắp xếp lại các mối quan hệ xã hội. Nói cho công bằng thì các cơ quan quản lý cũng đang cố gắng từng bước tháo gỡ cái mớ bòng bong ấy. Dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng họ cũng có ý thức xây dựng một khung cảnh văn hóa…”.
Bồi đắp giá trịĐiều dễ nhận thấy, ngay cả một số cây bút từng viết truyện thị trường, khi viết tạp văn về Hà Nội, cũng đã cố gắng dùng hết khả năng chăm sóc cho những bài viết trở nên đáng đọc nhất. Cảm như Thủ đô là TP không thể viết dễ dãi, mà họ là những cây bút hôm nay phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu những vẻ đẹp, tồn bồi những giá trị văn hóa hôm nay.
Khi đọc “Thương thế ngày xưa” của Lê Minh Hà, độc giả được tiếp nhận 19 tản văn về những món ngon của Hà Nội trong ký ức của tác giả từ thời thơ bé, về một Hà Nội phố những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Đó thật sự là một thời không dễ quên trong mắt nhiều người. Nhưng với những cây bút đa cảm, thì nỗi nhớ về Hà Nội xưa kia càng trở nên day dứt hơn. Lê Minh Hà cho rằng, Hà Nội bây giờ ồn ào quá mức. Đến cả mùi hoa sấu thanh mát ngày nào cũng thành ngột ngạt. Cho nên, mỗi người yêu Hà Nội vẫn cần tìm ra những góc khác, đời thường, giản dị, trầm lắng.
Một tác giả trẻ khao khát viết tạp văn về Hà Nội là Lê Văn Thành, sinh tại Quảng Ninh, hiện đang lập nghiệp ở Hà Nội. Điều tác giả trẻ này quan tâm nhất không phải là những phố cây, mà là những con ngõ. Ngõ trong phố cổ, ngõ ngoài ngoại thành. Thành bảo, phải quan sát tinh tế, mới nhận ra những vẻ đẹp của Hà Nội. Khi ấy mới thêm yêu, muốn hòa quyện, tiếp tục khám phá và viết.
Viết về Hà Nội không chỉ là để nói với TP, mà mỗi tác giả đã góp phần tôn bồi giá trị, để thêm yêu, thêm nhớ về Hà Nội thân thương.