Đề thi Lịch sử: Khó đạt điểm tối đa

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi thi môn Lịch sử sáng nay (4/7), có nhiều thí sinh ra sớm hơn thời gian quy định một tiếng. Nhiều học sinh không hài lòng với bài thi do đề khó

Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi Lịch sử yêu cầu các kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, có tính phân loại cao. Đề thi không yêu cầu nặng về học thuộc lòng mà cần sự tư duy cũng như am hiểu kiến thức xã hội. Ra khỏi phòng thi sớm 1,5 giờ, Nguyễn Việt Hoàng (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm) nhận xét: "Đề thi Lịch sử năm nay khó hơn năm 2015, mang tính phân loại cao với những câu hỏi mở về các vấn đề thời sự trong thời gian gần đây". 

Chọn Lịch sử là môn thi tốt nghiệp, Bùi Lê Minh Trang, (Trường THPT Việt Đức) cho biết: "Các câu hỏi tuy có trong sách giáo khoa nhưng em không ngờ tới. Chẳng hạn câu I, trình bày nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ nửa sau thế kỷ XX và đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng này. Câu III, Phân tích tác động của cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) ở Việt Nam". 

"Câu IV yêu cầu trình bày suy nghĩ về chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam "thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc" trong đường lối đổi mới đất nước, là câu hỏi mở thú vị đối với em và nhiều thí sinh"- Minh Trang cho biết.
Thí sinh phấn khởi vì đã hoàn thành xong môn thi Lịch sử tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Thí sinh phấn khởi vì đã hoàn thành xong môn thi Lịch sử tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Theo nhận xét của ThS Nguyễn Thị Cúc - giáo viên Lịch sử Trung tâm Giáo dục Thương xuyên huyện Ứng Hoà: ​"Đề thi năm nay phân hóa rất rõ ràng giữa mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng. Đối với 2 câu (I, II) nhận biết và thông hiểu phù hợp với học sinh trung bình. Câu vận dụng (III và IV) không phải dễ".

Đi sâu vào phân tích câu III, cô Nguyễn Thị Cúc cho biết, đề yêu cầu các em phân tích tác động của cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) ở Việt Nam. Ở ý 2 của câu hỏi này, học sinh phải nói được ý nghĩa của việc chớp thời cơ mà Bộ Chính trị đã làm để mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Câu IV yêu cầu thí sinh nêu quan điểm của mình về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Để làm được, các em phải có lượng kiến thức xã hội nhất định. Đặc biệt, các em phải viết về việc thế hệ trẻ Việt nam hiện nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy với đề thi này, các thí sinh chỉ mong muốn đỗ tốt nghiệp dễ dàng đạt 5-6 điểm, học sinh thi ĐH sẽ có nhiều điểm 7-8. Nhưng, để đạt được điểm 9, 10 rất khó vì câu IV yêu cầu học sinh phải có kiến thức trong chương trình sách giáo khoa và cả lượng kiến thức xã hội cùng cách lập luận khoa học.