Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề thi Ngữ văn hay, giàu tính gợi mở và không quá khó

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Điểm mới trong đề thi Ngữ văn là ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người. Câu hỏi giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân.

Ngay sau khi buổi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 tại Hà Nội kết thúc, các giáo viên Ngữ văn đã có những nhận xét về đề thi Ngữ văn.
Nhận xét chung về đề thi Ngữ văn, thầy Lê Hoài Quân -  Giáo viên trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Cấu trúc đề 2 phần rất quen thuộc. Ngữ liệu trong hai phần dùng để khai thác các câu hỏi cũng quen thuộc.
Số lượng câu hỏi trong đề thi theo đúng tinh thần giảm tải, giảm thời gian làm bài nhưng vẫn đảm bảo việc cân đối giữa kiến thức, kĩ năng. Việc giảm số lượng câu hỏi cũng phù hợp với thời gian 90 phút. Đồng thời bớt số lượng câu hỏi nên phải tăng điểm các câu trong đề là điều hợp lý.
Nội dung các câu hỏi trong đề đã hạn chế việc thuộc lòng, ghi nhớ máy móc mà chú trọng nhiều đến kĩ năng đọc hiểu và tạo lập văn bản của học sinh nên có tính phân loại cao.
Các câu lệnh trong đề rất rõ ràng, cụ thể và không bị vụn vặt. Học sinh sẽ định hướng luôn được nội dung cần trả lời sau mỗi câu hỏi.
 Các thí sinh đã hoàn thành bài thi Ngữ văn và Ngoại ngữ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.
“Học sinh sẽ có tâm lý thoải mái khi nhận đề thi, khi làm xong bài. Tuy nhiên để đạt được điểm cao như mong muốn thì yêu cầu HS phải hết sức thận trọng, cần diễn giảng chi tiết cụ thể trong từng ý trả lời” – thầy Lê Hoài Quân cho hay.
Theo nhận xét của tổ giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề thi Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 phần như mọi năm với việc đọc hiểu 2 loại văn bản và tích hợp yêu cầu viết tương ứng. Số lượng câu hỏi giảm đi phù hợp với thời gian thi được rút ngắn là 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài.
Về ngữ liệu, đề thi Ngữ văn vẫn sử dụng trong SGK Ngữ văn 9, trải đều cả hai học kì. Tuy ngữ liệu quen thuộc nhưng câu hỏi đã khai thác khá tốt, nêu bật được những nội dung quan trọng của ngữ liệu.
 Các thí sinh cho biết đề thi Ngữ văn hay và dễ. Ảnh: Ngọc Tú.
Độ phân hoá rất tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu  và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nhận định cụ thể từng phần như sau:
Phần I (6,0 điểm): Trích đoạn bài thơ “Đồng chí” quen thuộc, là một trong những văn bản quan trọng của chương trình, càng quan trọng hơn ở tính thời sự khi tình đồng chí cần được mở rộng quan niệm, phát huy giá trị trong những ngày cả nước đang đương đầu cùng “giặc” Covid-19. Ngoại trừ câu hỏi 1 giúp thí sinh dễ dàng có điểm, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận ở câu 2 không gây khó ở cấu trúc tổng - phân - hợp nhưng yêu cầu sử dụng câu ghép và phép lặp đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng viết khá tốt, nếu không sẽ vướng phải lỗi vụng về trong diễn đạt. Câu hỏi 3 rất thú vị khi nêu ra vấn đề ở 1 câu thơ ít được chú ý trong đoạn cuối. Vấn đề được nêu ra khá hay, lạ và thống nhất với nội dung các câu hỏi trên, tăng tính liên kết cho phần 1.
Phần II (4,0 điểm): Ngữ liệu được chọn lọc khá hay. Câu hỏi 1 gắn với nội dung câu chuyện ở trên nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người từ đó sẽ có thêm lí lẽ và dẫn chứng để thực hiện câu hỏi thứ 2. Hơn thế, câu hỏi 2 đã đặt ra một vấn đề rất ý nghĩa. Từ việc định nghĩa tri thức, làm rõ được ý nghĩa của điều này trong việc xác lập giá trị con người, thí sinh có thể nghĩ thêm về những cách thức để củng cố, bổ sung, làm giàu thêm cho vốn tri thức của bản thân và đem vốn tri thức ấy phục vụ có ích cho nhân sinh.
Vấn đề “rèn đức” bên cạnh “luyện tài” không mới, nhưng trình bày khéo léo thông qua cách đặt vấn đề sâu sắc, khơi gợi được định hướng giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất đang được đẩy mạnh; đó chính là điểm sáng đáng ghi nhận của yêu cầu đề.
Sau khi nghiên cứu đề thi Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng  – Giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi Ngữ văn năm nay rút ngắn thời gian làm bài, tương ứng với đó thì dung lượng đề thi có sự giảm đi. Cụ thể số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ giảm xuống còn 5 ý nhỏ thay vì 7 ý như đề thi năm trước. Đề thi có cấu trúc vẫn giữ ổn định như mọi năm, học sinh sẽ cảm thấy quen thuộc.
Điểm mới ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người nhưng câu lệnh được đưa ra dạng câu nghi vấn: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Cách đặt vấn đề như vậy nó sẽ giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân.
Trong khi đó, cô Đỗ Khánh Phượng - Giáo viên Ngữ văn trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) cũng đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm, chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.
Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sự phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Theo cô Đỗ Khánh Phượng, với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm.