Đây là nội dung quan trọng và cần thiết để triển khai cụ thể hóa một số nội dung xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Tập trung quản lý kiến trúc, cảnh quan
Thưa ông, chiều 13/1 UBND TP Hà Nội công bố Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội, ông có thể tóm tắt những nội dung chính của Quy chế này?
- Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội gồm 4 Chương, 17 Điều và 9 Phụ lục, nhằm quản lý cảnh quan đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội.
Quy chế cũng cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, Quy chế quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc bảo tồn giá trị văn hóa, di sản và phục vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.
Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025. Nguyên tắc quản lý kiến trúc TP Hà Nội là tuân thủ Luật Kiến trúc, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và điều kiện thực tế tại Thủ đô; Ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới kể cả nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng, an ninh, tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Bảo đảm việc phát triển mới song hành với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống về kiến trúc công trình và tổ chức cảnh quan làng xóm, bảo tồn văn hóa bản sắc của các khu vực; Quản lý kiến trúc cần phải tính đến đặc điểm, đặc thù của từng khu vực, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống…; Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đây có phải lần đầu tiên TP Hà Nội có một quy chế tổng thể liên quan đến lĩnh vực kiến trúc của TP, thưa ông?
- Trước đây, theo Luật Quy hoạch đô thị, chúng tôi đã xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung TP Hà Nội và TP đã phê duyệt tại Quyết định 70/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014. Tuy nhiên, khi Luật Kiến trúc ra đời (năm 2019), Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung TP Hà Nội chỉ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2021 và TP phải tiến hành xây dựng lại Quy chế quản lý kiến trúc. Quy chế này nhấn mạnh quản lý kiến trúc nhiều hơn, đương nhiên cũng phải căn cứ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội được phê duyệt lần này có điểm khác gì khác so với các quy định trước đây? Trong quy chế này, có tập trung vào một số quy định cụ thể không, thưa ông?
- Trước đây, theo Luật Quy hoạch đô thị quản lý cả quy hoạch và kiến trúc. Quy chế lần này đi sâu vào quản lý kiến trúc và không gian, cảnh quan TP Hà Nội. Quy chế này thực hiện theo các quy định của Luật Kiến trúc, đặc biệt là Nghị định 85 ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Tiếp đó, Quy chế quản lý kiến trúc có những quy định về khu vực đặc thù, các khu vực phải thi tuyển… là những nội dung mới hơn so với trước đây.
Trong đó, chúng tôi đã cập nhật có chọn lọc các nội dung còn phù hợp tại các quy chế riêng lẻ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc đưa vào quy chế tổng thể, bảo đảm quản lý tổng thể trên địa bàn TP Hà Nội. Trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực Hoàng thành Thăng Long, khu vực Cổ Loa, phố cổ, phố cũ và một số khu vực khác được chúng tôi xác định là khu vực đặc thù.
Quy chế quản lý kiến trúc được ban hành trong bối cảnh Thủ tướng vừa phê duyệt 2 quy hoạch có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô. Xin ông cho biết, trong Quy chế quản lý kiến trúc này có cập nhật các nội dung 2 quy hoạch vừa phê duyệt như thế nào?
- Có thể nói, Quy chế quản lý kiến trúc căn cứ theo các Quy hoạch được duyệt, đặc biệt là Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình xây dựng Quy chế, chúng tôi vừa làm vừa cập nhật Quy hoạch chung. Đến khi Quy hoạch chung được ban hành, chúng tôi trên cơ sở đó hoàn thiện, trình TP phê duyệt, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất với định hướng của 2 đồ án quy hoạch trên.
Phát triển đô thị đồng bộ
Thưa ông, việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc có ý nghĩa thế nào trong công tác quản lý?
- Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc có ý nghĩa quan trọng giúp TP Hà Nội quản lý tốt hơn về không gian kiến trúc và công trình kiến trúc đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phát triển các công trình kiến trúc xanh.
TP thông qua Quy chế Quản lý kiến trúc và Chương trình phát triển đô thị là những điều người dân đã mong mỏi từ lâu, theo ông, diện mạo không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội thời gian tới sẽ thay đổi thế nào?
- Tôi cho rằng đây là những công cụ quan trọng. Chúng ta đã có Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là nội dung định hướng. Muốn định hướng đó triển khai được, cần có các chương trình. Chương trình phát triển đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc giúp phát triển đô thị một cách đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan. Đó là công cụ rất tốt cho Sở QH-KT trong thời gian tới để tham mưu TP phát triển đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại.
Vậy thưa ông nguồn lực thực hiện sẽ thế nào?
- Trong quy hoạch và chương trình phát triển đô thị đã xác định nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau. Trong quá trình triển khai, các sở ngành dựa trên chức năng, nhiệm vụ sẽ tham mưu TP để bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!