Để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở nên phồn vinh

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT – gồm TP Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) cần có quyết tâm chính trị cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Chiều 17/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp để phát triển vùng.

TS Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đánh giá: Trong gần 20 năm hình thành và phát triển, VKTTĐMT đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, so với kỳ vọng đặt ra, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Đóng góp của VKTTĐMT vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp; năng lực nội sinh của vùng còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực. Trong khi đó, các VKTTĐ Bắc Bộ và VKTTĐ phía Nam đã có các nhân tố mới đang tạo động lực phát triển mạnh; VKTTĐ đồng bằng sông Cửu Long đã được định hình các chuỗi giá trị sản xuất toàn vùng và phát triển bền vững.

Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi.
Cảng Dung Quất, Quảng Ngãi.

Cũng theo TS Huỳnh Huy Hòa, VKTTĐMT đang phát triển chậm lại và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19. Đóng góp của “đầu tàu” – TP Đà Nẵng, với vùng dưới mức kỳ vọng, thấp hơn hai tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Trong 5 địa phương, chỉ có Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực, còn lại chưa có dự án động lực, thúc đẩy phát triển vùng.

Kinh tế Việt Nam đang kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%/năm cho giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2035 tính theo GDP/người, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt khoảng 18.000 USD. Từ dự báo trên, TS. Huỳnh Huy Hòa cho rằng, để VKTTĐMT cất cánh, cần có quyết tâm chính trị cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh.

“Trong 10 - 15 năm tới, cần huy động mọi nguồn lực để VKTTĐMT phát triển đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoàng 9 - 10%/năm, nếu không muốn tiếp tục trở thành vùng trũng trong sự phát triển chung của đất nước, trở thành địa bàn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất” - TS Huỳnh Huy Hòa nói.

Giải pháp tài chính tiếp sức cho vùng

Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: VKTTĐMT đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, cần phải có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển vùng này.

TS Nguyễn Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: Quang Hải
TS Nguyễn Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Ảnh: Quang Hải

Vấn đề đầu tiên TS Nguyễn Thanh Nga đề cập đến là cơ chế, chính sách tài chính huy động nguồn lực phát triển VKTTĐMT. “Nhìn chung, hiện tại vẫn chưa có cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách cho VKTTĐMT; các địa phương trong vùng vẫn đang áp dụng cơ chế, chính sách chung. Riêng Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có cơ chế chính sách tài chính đặc thù” – bà Nga nói.

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Thanh Nga gợi ý 2 nhóm giải pháp nhằm tiếp sức cho VKTTĐMT gồm: Giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.

Cụ thể theo bà Nga, cần đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm yêu cầu phát triển, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung.

Cùng với đó, các tỉnh cần tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách; tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh…

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất cần xét đến yếu tố cho phép địa phương phát hành trái phiếu; đặt vị trí của trái phiếu chính quyền địa phương trong tổng thể thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; đa dạng các phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, khi quá trình phân cấp (quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng) cho chính quyền địa phương diễn ra nhanh chóng và thực chất, các địa phương phải chủ động và tự lực nhiều hơn. Tuy nhiên, các địa phương thường gặp phải thách thức là họ phải tạo ra một quá trình chuyển đổi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, nhưng chỉ có giới hạn các nguồn lực tài chính chuyển giao từ phía trung ương.

“Trong quá trình này, chính quyền địa phương cần phải huy động được nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách với quy mô đủ lớn, kỳ hạn đủ dài và chi phí phù hợp, từ đó tận dụng được lợi thế từ đòn bẩy tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.