Theo đó, Bộ Y tế đề xuất 6 loại bệnh được BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm; người mắc một số bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... nhận 100% chi phí theo mức hưởng quy định.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục KCB BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến KCB BHYT.
Điều này giúp người dân vừa tiết kiệm chi phí do phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên, tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi KCB vượt cấp. Đồng thời, giải pháp có tác động tích cực đến cơ sở KCB và DN trong lĩnh vực y tế do người dân sẽ sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn, góp phần tăng doanh thu, từ đó cải thiện thu nhập của cán bộ y tế.
Tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất Quỹ BHYT chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm 6 bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B...
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang, đề xuất này dựa trên nghiên cứu về kinh tế y tế, chi phí hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã làm và thấy hiệu quả. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch...
Mặt khác, việc mở rộng chi trả khám sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời giúp giảm chi phí điều trị trong tương lai.
Theo thống kê năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt hơn 93,6 triệu, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 khóa XV, tháng 5/2024.