Đề xuất bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 18/1, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây là Dự Luật dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Thêm danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu

Trong báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các ĐB Quốc hội nhất trí bổ sung quy định danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”. Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc bổ sung danh hiệu thi đua ở phạm vi cấp xã là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì xã, phường, thị trấn là một đơn vị hành chính nên tên gọi danh hiệu thi đua là “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” là phù hợp. Việc bổ sung tiêu chuẩn dẫn đầu cấp huyện, một số tiêu chuẩn cụ thể và quy định UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu này bảo đảm phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, địa phương và bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu chỉnh lý Dự Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu chỉnh lý Dự Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý Điều 26 Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) theo hướng đổi tên điều thành Danh hiệu “Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu”, quy định phạm vi dẫn đầu trong cấp huyện và bổ sung quy định UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu này.

Về việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, theo Thường trực Ủy ban Xã hội, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận công lao hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc của lực lượng Thanh niên xung phong bằng việc trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước. Về cơ bản, các cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích.

Thanh niên xung phong nếu là người có công với Cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và những chính sách khác đối với Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam….

Thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng, để ghi nhận đóng góp xây dựng lực lượng Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong có thành tích đã được tặng “Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong”.

“Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật theo ý kiến của ĐB Quốc hội, ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức có liên quan, Thường trực Uỷ ban Xã hội đề nghị cân nhắc phương án không quy định hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang như quy định của Dự Luật; giao Chính phủ căn cứ kết quả tổng kết thành tích kháng chiến để đề xuất cơ quan có thẩm quyền có hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng phù hợp đối với người tham gia kháng chiến (trong đó có Thanh niên xung phong) chưa đủ điều kiện được tặng Huy chương kháng chiến hoặc hình thức khen thưởng kháng chiến khác theo quy định” – Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết.

Bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là cần thiết

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật, về việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong. Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các thành tích, công lao của lực lượng thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, khẳng định trong nhiều báo cáo. Và, dù có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề này, song việc xét trao tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang thực hiện với những đối tượng còn tồn đọng, thiếu sót, chưa được bổ sung kịp thời trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Cùng quan điểm này, để đảm bảo tính công bằng và tránh dự án Luật phải sửa đổi nhiều lần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường để nghị mở rộng xem xét bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến như: du kích, dân công hỏa tuyến… vào trong Dự Luật.

Với các tiêu chí, tiêu chuẩn để xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là cần thu hẹp phạm vi hình thức khen thưởng cấp nhà nước, chứ không phải không được bổ sung. Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng có thành tích trong kháng chiến và việc tổ chức khen thưởng “ai rõ trước làm trước, có thể nhiều năm mới xong”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, được đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Quan điểm của cơ quan soạn thảo là mong muốn được giữ như đề xuất để trình Quốc hội, còn mức độ ở thời kỳ kháng chiến hay thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét ở các góc độ vì quy định này có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần