Phương án 1 khoa học, hợp lý và tối ưu
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV vừa thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Chính phủ đã trình Quốc hội hai phương án về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần. Phương án 1, NLĐ được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1 là NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).
Nhóm 2 là NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.
Phương án 2, NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số NLĐ một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.
Phương án 1 cũng được nhiều chuyên gia an sinh xã hội đồng tình, dù vẫn còn nhược điểm nhưng lại hợp lý hơn phương án 2. Khi trao đổi về hai phương án rút BHXH một lần, TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH thuộc BHXH Việt Nam cho biết: Phương án 1 là khoa học, hợp lý và tối ưu hơn vì vẫn giữ nguyên quy định cho người tham gia trước khi điều chỉnh Luật BHXH, vừa quyết liệt đối với người mới tham gia, dần dần phù hợp với thông lệ quốc tế là không có BHXH một lần. Phương án 2 là nửa vời, nếu NLĐ được rút 50%, số tiền quá ít; quy định này kéo dài đến suốt cả cuộc đời, lại càng khác biệt với thông lệ quốc tế.
“Tôi nghiêng về phương án 1, những NLĐ đã tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025 vì lý do nào đó muốn nhận BHXH một lần thì vẫn được giải quyết bình thường, không làm đảo lộn xã hội. Còn những người tham gia BHXH từ 1/7/2025 thì phải luôn xác định không bao giờ được rút BHXH một lần; vì đóng BHXH là để hưởng các chế độ, sau này có lương hưu”- TS Phạm Đình Thành cho hay.
Ba giải pháp hỗ trợ người lao động
Theo các chuyên gia an sinh xã hội khác, cả hai phương án rút BHXH một lần đều có ưu điểm nhưng đồng thời lại có nhược điểm, chưa phải là hoàn thiện để giải quyết được triệt để vấn đề. Mục tiêu tổng thể là hạn chế rút BHXH một lần, để NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH lâu dài. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, nên chọn phương án nào hạn chế rút BHXH một lần tốt hơn và bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ.
Trao đổi về hai phương án rút BHXH một lần, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH nghiêng về phương án 1. Thực tế, hiện nay, có những NLĐ do hoàn cảnh khó khăn không còn nguồn nào khác bắt buộc phải rút BHXH một lần, bù vào số tiền thiếu hụt để đảm bảo đời sống. Luật BHXH không giải quyết được vấn đề này cho nên cần phải kết hợp với các giải pháp hay chính sách kinh tế khác để hỗ trợ NLĐ .
Giải pháp thứ nhất được TS Nguyễn Hữu Dũng đưa ra là cho NLĐ vay vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để họ giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Giải pháp thứ hai, đó là hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang dư thừa rất lớn, có thể dùng để hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn bằng cách kéo dài thời gian trợ cấp thất nghiệp và tăng mức hưởng. Một giải pháp nữa là dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để trợ cấp xã hội tạm thời cho những NLĐ gặp khó khăn, có nguy cơ phải rút BHXH một lần. Mức tiền trợ cấp xã hội có thể thấp nhưng dù sao vẫn có thể giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống.
“Khi thực hiện những giải pháp hỗ trợ NLĐ từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn cho thấy chính sách này rất nhân văn, từ đó yên tâm tham gia. Để thực hiện những chính sách từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì rất cần Quốc hội sửa Luật Việc làm, có quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp” – TS Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.
Từng có nhiều năm gắn bó với đoàn viên, công đoàn, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiêng về phương án 1. Bởi theo ông, đối với NLĐ thì một đồng cũng quý, cho nên Nhà nước tạo điều kiện cho họ được rút toàn bộ số tiền đã đóng BHXH. Còn phương án 2, chỉ được rút 50% số tiền đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì ít quá, NLĐ không giải quyết được khó khăn.
“Tuy nhiên, chúng ta nên tuyên truyền, vận động NLĐ nán lại, tiếp tục đóng BHXH chờ đến tuổi nghỉ hưu để có lương hưu. Trường hợp NLĐ nhanh chóng rút BHXH một lần thì chưa chắc giải quyết được vấn đề; sau này hết tuổi lao động không có lương hưu, cuộc sống rất khó khăn. Trong trường hợp NLĐ gặp khó khăn thì giải pháp tốt nhất là cho họ được vay vốn từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp và không tính lãi suất. Có như vậy, NLĐ mới yên tâm tham gia thị trường lao động, ở lại hệ thống BHXH góp phần đảm bảo an sinh xã hội” – ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.