Ngày 12/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đã tổ chức hội thảo ''Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045''.
Hội thảo nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, thảo luận các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, TP từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận; diện tích tự nhiên khoảng 95.860 km2, chiếm 28,9% diện tích tự nhiên cả nước, chiều dài đường bờ biển dài khoảng 1.995km chiếm hơn 55% bờ biển cả nước; dân số trên 20,3 triệu người, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khu vực có điều kiện giao thông thuận lợi nhất trong các vùng của cả nước với đường sắt Bắc - Nam dài hơn 700 km, nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn và hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; là khu vực có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên.
Đây là vùng có tài nguyên khoảng sản khá phong phú và đa dạng, chiếm 100% trữ lượng crômit, khoảng 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước... và nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo; có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 nhằm định hướng cho phát triển vùng duyên hải Trung bộ và là căn cứ, cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách đặc thù khơi dậy nguồn lực và phát huy lợi thế, tiềm năng cho phát triển Vùng và các địa phương.
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương, nỗ lực của các địa phương, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Một số tiềm năng, lợi thế của Vùng được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của Nhân dân trong Vùng không ngừng được cải thiện; một số địa phương đã bứt phá, vươn lên và trở thành các điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước. Kinh tế Vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 ngàn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.
Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện với đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt 38,25% giai đoạn 2013 - 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; một số ngành kinh tế chủ lực của Vùng được hình thành, phát triển và trở thành các trụ cột của nền kinh tế.
Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả; Kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; Hệ thống đô thị ven biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp được hình thành và dần trở thành động lực phát triển….
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội Vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp của Vùng còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp; đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển còn hạn chế; các trung tâm logistics, cảng cạn ICD phát triển chậm; hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao; một số dự án lớn, dở dang chậm được xử lý; Tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết; Môi trường đầu tư kinh doanh một số địa phương cải thiện chậm, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp…
Tập trung phát kinh tế biển kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, nhiệm vụ được Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra cho Vùng là tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô.
Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hiệu quả hành lang kinh tế Đông - Tây; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Các trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt là những giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần làm rõ được tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí, vai trò, chức năng của từng địa phương trong tổng thể Vùng và của Vùng trong tổng thể quốc gia. Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng giúp Ban Chỉ đạo đề xuất các định hướng lớn cho phát triển Vùng thời gian tới.
Từ các kết quả về phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời gian qua, sẽ đề xuất được định hướng lớn về phát triển từng địa phương trong tổng thể Vùng, các định hướng liên kết và các trục liên kết chính của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng trong thời gian gần đây, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời làm rõ hơn tính khách quan và vai trò động lực của liên kết vùng đối với phát triển các địa phương và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, nhất là để khai thác hiệu quả các tiềm năng chung trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, đặc biệt là trong ban hành các cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển Vùng và các địa phương nhằm tăng cường liên kết vùng.
Phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế biển, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch, các hành lang để đề xuất vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển các địa phương, các tiểu vùng và toàn Vùng.
Tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn trong tổ chức triển khai các quy hoạch; thực hiện các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho Vùng và các địa phương, nhất là trong phát triển kinh tế biển, phát triển các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông liên vùng, phát triển du lịch, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…