“Trừ khi không làm cách gì tránh được thì phải di dời, bởi giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế. Bây giờ chặt cây xanh đi ai cũng tiếc, vì trồng được đâu có dễ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chỗ nào cần đánh chuyển cây thì dù đau lòng cũng cần phải làm. Chẳng lẽ, dừng lại và không làm gì?.” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải "Hà Nội là đô thị được định hướng phát triển giao thông mạnh trong tất cả các luật của quy hoạch. Hiện nay, đường sá giao thông Thủ đô chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất tự nhiên. Thế nhưng, để thích ứng với yêu cầu cuộc sống hiện đại thì giao thông (tĩnh và động) phải chiếm một tỷ trọng khoảng 20 - 25% diện tích đất tự nhiên. Với tốc độ phát triển kinh tế nói chung và sự phát triển của giao thông nói riêng, đã dẫn đến hiện tượng phải cải tạo và mở rộng đường phố trong 70 năm qua. Vấn đề này vì thế liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc hai bên đường và đặc biệt khó tránh khỏi đụng chạm đến cây xanh." - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội |
Đề xuất di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng: Không có nghĩa là chặt bỏ
Kinhtedothi - Ở bất kỳ đô thị nào trên thế giới, việc phát triển cơ sở hạ tầng và duy trì một không gian xanh được xem như bài toán khó.
Tại Hà Nội, nơi cây xanh, sông hồ được xem là linh hồn của người dân thì mọi quyết sách liên quan luôn nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
“Trong quá trình phát triển đô thị, cây xanh chịu tác động của giao thông là tất yếu. Muốn giao thông đô thị tốt hơn thì phải “hy sinh” cây xanh. Tuy nhiên, hy sinh không có nghĩa là chặt bỏ. Hy sinh cần hiểu chuẩn chỉ theo hướng ưu tiên dịch chuyển, trồng thay thế ở những vị trí khác. Bất khả kháng mới chặt hạ. Bởi, khi bắt buộc phải lựa chọn, TP sẽ chọn phương án ít rủi ro nhất” - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhấn mạnh.Phân loại để ứng xử thích hợp"Dù chặt bỏ một cây cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng" là lời khẳng định của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục liên quan đến 1.300 cây xanh trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng (đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Sau khi loại trừ cây dương dại, tuyến đường Phạm Văn Đồng, còn khoảng hơn 1.000 cây xanh. Trong đó, hơn 90% là cây xà cừ (nhóm có đường kính 80cm - 1,2m, tuổi thọ 50 - 60 năm chỉ chiếm 10%, còn lại là cây có tuổi đời 32 năm, trồng từ năm 1985). Như vậy, tình huống chặt hạ cây chỉ là trường hợp bất khả kháng. “TP không hề đưa ra quyết định chặt hạ 1.000 cây. Sở Xây dựng đã tham vấn với các sở ngành, chuyên gia và thống nhất dù chặt hạ chỉ 1 cây cũng xem xét hết sức kỹ càng. Hiện Sở vẫn tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến các nhà khoa học về phương án di dời cây một cách hợp tình, hợp lý nhất” - ông Dục nói.
Bình luận về vấn đề này, ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT đánh giá, kế hoạch mở rộng đường Vành đai 3 là hết sức cần thiết. Đoạn đường Phạm Văn Đồng khá nhỏ nên thường tắc đường vào giờ cao điểm. Với quỹ đất khan hiếm như hiện nay, muốn mở rộng đường, bắt buộc phải di dời cây xanh. Hiện nay, người ta hoàn toàn có thể tận dụng những cây đấy để trồng lại sang nơi khác, thậm chí cả cây cổ thụ. Nếu chúng ta làm tốt thì 1 vài năm các cây sẽ phục hồi lại và có thể trồng ở vị trí mới. “Tôi nghĩ, Hà Nội hay các nơi cũng không muốn đụng đến cây xanh đâu. Dù vậy, nếu không tận dụng mảng không gian xanh đó vào dải phân cách được thì bắt buộc phải di dời. Đáng lưu tâm ở đây chính là biện pháp di dời” – PGS.TS Nguyễn Quang Toản đưa ra ý kiến.PGS.TS Nguyễn Quang Toản dẫn chứng thêm về tuyến đường Nguyễn Trãi. Trước đây để phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chúng ta cũng phải chặt hạ các cây xanh ở đây. Nếu chúng ta cứ nói cây xanh không được đụng đến thì giao thông sẽ quá tải. Do đó, để hướng tới mục tiêu phát triển đô thị hài hòa với môi trường thì trước khi triển khai dự án, các ban, ngành chức năng nên tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và người dân trong vùng dự án”.Đồng quan điểm, theo TS Đào Ngọc Nghiêm, cây xanh chịu tác động của giao thông là một xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Vì lợi ích lớn là tăng cường giao thông, tránh các vấn đề bất khả kháng như ùn tắc, ô nhiễm môi trường thì khi mở rộng đường, di dời cây xanh là hợp lý. Dự án đường Vành đai 3 cũng đã được đặt ra từ quy hoạch được duyệt năm 1981. Sau quá trình gần 40 năm, khi quy hoạch được phê duyệt thì động chạm đến cây xanh. Do đó, để tránh bức xúc trong dư luận phải có những điều kiện “cần và đủ”. TS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất, cần nhanh chóng tiến hành điều tra khảo sát, phân thành 4 loại cây xanh nhằm ứng xử thích hợp. Thứ nhất, tìm ra những cây đã sâu mọt, mục rỗng để chặt hạ, thay thế. Thứ hai, liệt kê các loại cây không ổn định, có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình kiến trúc và giao thông nhằm quản lý bằng chặt tỉa, chăm sóc mới. Thứ 3, đối với các loại cây phải thay thế và hạn chế phát triển có thể di chuyển đi chỗ khác. Thứ 4, những cây xanh gắn với công trình kiến trúc, có giá trị di sản của cảnh quan TP thì phải bảo tồn, áp dụng cách thức chăm sóc đặc biệt, tạo ra vườn ươm. Trên cơ sở đó, xây dựng được một dự án cụ thể cho chỉnh trang, thay thế, chặt tỉa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.Cổ thụ trong vườn ươm vẫn sống tốtCòn nhớ cách đây gần một năm, để phục vụ cho việc thi công xây dựng dốc hạ ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn, Hà Nội cũng đã phải di dời hơn 100 cây cổ thụ tại đường Kim Mã về vườn ươm xã Đa Tốn - Gia Lâm. Thời điểm này, có nhiều ý kiến phản biện quan ngại số lượng cây trên khó sống sót tại nơi ở mới. Dù vậy, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, 101/104 có dấu hiệu phục hồi sinh trưởng tốt.Ông Trần Khánh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Beepro cho biết, hiện giờ tỉ lệ sống sót của hơn 100 cây cổ thụ trong vườn ươm chiếm vào khoảng 95%, toàn bộ cây trong vườn ươm đều đang sinh trưởng tốt. Để tiện cho việc chăm sóc, các cây đều được đánh số và ghi rõ lý lịch. Tùy từng loại cây và thể trạng của chúng mà có những biện pháp chăm sóc riêng, đảm bảo sự sống và phát triển của cây. Có những cây tuổi thọ gần 200 năm nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, nhất là trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua. Do đó, phải tuân thủ đúng quy trình, không chỉ tưới mà phải tắm cho vỏ, cành lá sạch sẽ, chống sâu bệnh, giữ độ ẩm cho cây…Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các cây cổ thụ đã bắt đầu có tán lá xanh. Thân và cành cây được bọc bằng rơm để giữ độ ẩm và nhiệt độ ổn định. Để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, gốc cây được đắp 3 lần theo đúng quy trình. Trong đó, lần thứ 3 là lớp đất có tác dụng như lớp thảm bì để giữ nhiệt độ ổn định, tránh sự xói mòn gốc cây, kích thích bộ rễ phát triển và giữ cho cây không bị rung lắc khi thời tiết không thuận lợi. “Sau những ngày nắng nóng cao điểm tại Hà Nội vừa qua, các “cụ” xà cừ di chuyển về đây vẫn sinh trưởng rất tốt, tán lá xanh mát. Từ đó, Nhân dân Thủ đô hoàn toàn có thể yên tâm vì chúng ta thật sự đã tìm ra giải pháp cứu được hàng cây xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi”– ông Trần Khánh Toàn khẳng định.Theo các chuyên gia, rất khó để đưa ra câu trả lời: “Việc giữ gìn cây xanh nguyên bản trên các tuyến phố và làm giao thông đô thị, việc nào có ý nghĩa hơn?”. Dù vậy, Hà Nội đang cần phát triển mạnh giao thông thì buộc phải “hy sinh” cây xanh. Tuy nhiên, “hy sinh” cây xanh không có nghĩa là chặt bỏ mà có thể chuyển đi trồng ở những nơi thích hợp hơn. Thực tế, với bất kỳ dự án giao thông nào, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực giảm thiểu sự bất tiện cho người dân và tác động đối với cây xanh, môi trường. Trong quá trình thực hiện có chỗ này chỗ kia chưa thật hợp lý nhưng đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng là định hướng đúng. Làm sao dung hòa được sự phát triển đô thị và bảo vệ được các hàng cây xanh cổ thụ - linh hồn và nét đẹp văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Để người dân không cảm thấy bức xúc, ảnh hưởng đến tình cảm, niềm tin của người dân với chính quyền.